sponsor

sponsor

Slider

Recent Tube

Business

Thông Tin Giáo Xứ Quỹ Đê

Life & style

Games

Sports

Fashion

» » Thường huấn Linh mục: Học hỏi Tin Mừng Máccô

Thường huấn Linh mục: Học hỏi Tin Mừng Máccô

Dẫn Nhập
 
Theo lời mời gọi của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN), năm 2015 sẽ là năm Phúc Âm hóa đời sống giáo xứ và cộng đoàn đời sống thánh hiến. Để vạch ra hướng đi cụ thể của năm Phúc Âm hóa này, HĐGMVN và Đức Cha Tôma đã kêu gọi «Giáo xứ là cộng đoàn chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy. Lời Chúa phải được rao giảng, lắng nghe và đem ra thực hành[1]».

Rõ ràng, một trong những ưu tiên cụ thể cho năm 2015 nơi các giáo xứ và nơi cộng đoàn đời sống thánh hiến là tập trung đào sâu Lời Chúa cả về phía người rao giảng và người lắng nghe. Ưu tiên này diễn tả chính tên gọi « Phúc Âm hóa », tức là để cho chính quyền năng Tin Mừng biến đổi và thánh hóa. Dường như đó cũng là thao thức tha thiết của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, khi ngài đặc biệt kêu gọi các linh mục : «Chúng tôi tha thiết xin anh em linh mục cố gắng chu toàn thừa tác vụ cao quý này cách tốt nhất, bằng việc lắng nghe tiếng Chúa qua cầu nguyện, chuẩn bị bài giảng kỹ lưỡng, nội tâm hóa Lời Chúa, đồng thời biết lắng nghe tâm tư nỗi niềm của người dân trong đời sống thường ngày của họ. Nhờ đó lời giảng của chúng ta sẽ phát xuất từ trái tim và có hi vọng chạm đến trái tim người nghe [2]».

Lời nhắn nhủ của vị cha chung như thể bắt đầu từ kinh nghiệm sống của chính ngài khi tiếp xúc với Lời Chúa. Giờ này ngỏ lời với các linh mục, ngài cũng ước mong cùng các linh mục dìm mình trong dòng sức sống mãnh liệt ắp đầy ơn cứu rỗi của Lời Chúa.

Làm thế nào để đáp lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha và của các Đấng Bề Trên? Vì chúng ta đang ở trong chu kỳ Phụng Vụ năm B, thành ra con xin được cùng với quý cha tìm hiểu một vài nét chính của Tin mừng theo thánh Mác-cô với ba phần chính.

Phần I : Giới thiệu Tin mừng Mác-cô.

Phần II : Vài trình thuật tiêu biểu nơi Tin mừng Mác-cô.

Phần III: Hiện tại hóa Tin mừng Mác-cô.



Phần I : GIỚI THIỆU TIN MỪNG MÁC-CÔ

Thường khi tìm hiểu một tác phẩm, thật cần thiết hiểu sơ qua về tác giả, cấu trúc và những tư tưởng chính. Đó cũng là điều mà phần giới thiệu Tin mừng Mác-cô nhắm tới.

I. Tác giả Tin Mừng Mác-cô

1. Tác giả

Ta có thể ghi nhận rằng, vì tính cách « sơ sài, mộc mạc, đôi khi hơi khô khan » của văn phong Mác-cô mà trước đây Giáo hội rất ít khi dùng tới Tin mừng này trong phụng vụ hay trong các bản văn của Hội thánh. Tuy nhiên, vào những năm 1950, với việc phê bình lịch sử, rồi sau đó tới Công Đồng Va-ti-can II, người ta tái khám phá tính độc đáo của Mác-cô, tính giàu có sâu thẳm ẩn tiềm trong văn phong đơn giản. Cũng từ đó, Tin mừng Mác-cô được chú ý nhiều hơn.

Mác-cô được nhiều giáo phụ (Justin, Iréné, Eusèbe) xác nhận như là tác giả của Tin mừng thứ hai (Mác-cô). Và Mác-cô như thể là thời ký của Phê-rô, ghi lại những « ký ức sống động » của tông đồ Phê-rô. Theo sách Công vụ tông đồ, ta thấy xuất hiện khuôn mặt của Mác-cô như là môn đệ của Phê-rô (x. Cv 13 – 15; Cl 4,10). Tên Do-thái của ông là Gio-an, (bởi ân sủng của Ngài), còn tên theo văn hóa Rô- ma là Marcus (có nghĩa là Chiếc Búa Rìu).

2. Thời gian viết và cộng đoàn của Tin mừng Mác-cô.

Theo chứng từ của I-rê-nê thì Tin mừng Mác-cô được biên soạn ngay sau cuộc tử nạn của Phê-rô và Phao-lô, tức là vào khoảng năm 64-67. Ta có thể nói rằng: chắn chắn Tin mừng được viết vào những năm xung quanh biến cố Đền thờ Giê-ru-sa-lem bị phá hủy (năm 70).

Tin mừng Mác-cô gửi cho những người đa số ở Rô- ma ; tức là những người ki-tô hữu đến từ gốc dân ngoại. Chính cộng đoàn tín hữu ở đây đang chịu cơn bắt bớ đạo khủng khiếp. Trong Tin mừng này, chúng ta thấy đôi khi những thành ngữ được La-tinh hóa. Chẳng hạn như tác giả dùng « co-ban » (7,11) để diễn tả giá trị đồng tiền như của lễ ; hoặc bà góa Phê-ni-xi xứ Xy-ri (7,26) ; hoặc « đạo binh » (légion, 5,9) ; hoặc Mc 6,6-8 chúng ta thấy Mc thích nghi với hoàn cảnh ở Rô-ma cho phép các môn đệ đƣợc đi dép, và mang theo gậy, vì ở Rô-ma người ta thường mang dép và cầm gậy.

II. Đề nghị một cấu trúc cho Tin mừng.
 
Có nhiều cách chia Tin mừng Mác-cô, tùy theo tiêu chuẩn. Chẳng hạn có một số học giả dựa vào tiêu chuẩn nơi chốn (không gian : Ga-li-lê và Giê-ru-sa-lem, đất dân ngoại) để chia Tin mừng ra làm năm phần[3] : Phần I : Giai đoạn chuẩn bị (1,1-13) ; Phần II : Sứ vụ tại Ga-li-lê (1,14 – 7,23) ; Phần III : Sứ vụ ngoài miền Ga-li-lê (7,24 – 10,52) ; Phần IV : Sứ vụ tại Giê-ru-sa-lem (11,1 – 13,37) ; Phần V : 14,1 – 16,20 : Thương Khó và Phục Sinh. Đề nghị này giúp độc giả dễ dàng theo dõi hành trình của Đức Giê-su từ Ga-li-lê tới Giê-ru-sa-lem, tuy nhiên không thuyết phục lắm. Chẳng hạn, phần II đề cập tới Sứ vụ của Đức Giê-su tại Ga-li-lê (1,14 – 7,23), nhưng ở giữa lại thấy Đức Giê-su ở vùng đất Ghê-ra- sa (Vùng đất dân ngoại : 5,1-20).

Ngày nay, đa số các học giả[4] đồng ý chia Tin mừng Mác-cô thành hai phần chính ở giữa với một phần mở đầu và phần kết thúc:

1. Mở đầu : (1, 1-13), giới thiệu tin mừng với việc chuẩn bị của Gio-an Tẩy Giả.
2. Phần 1 : 1, 14 – 8, 33 giới thiệu căn tính của Đấng Mê-si-a là « Đấng Ki-tô ».

Phần 1 lại chia làm ba phần nhỏ nữa, mỗi phần đều bắt đầu bằng một hành động diễn tả sứ vụ công khai của Đức Giê-su (rao giảng, chữa lành hoặc trừ quỷ và giảng dạy) và kết thúc với một sự kiện hướng về cuộc vượt qua của Ngài[5].

a. 1,14 – 3,6 : Mở đầu với việc Chúa Giê-su rao giảng Tin mừng (1,14) và kết thúc bằng việc nhóm Biệt Phái liên kết với nhóm Hê-rô-đê để tìm cách giết Đức Giê-su (3,6).

b. 3,7 – 6,6a : Mở đầu, Chúa Giê-su chữa lành và trừ quỷ (3,7-12) ; kết thúc, những người đồng hương (Na-da-rét) ruồng rẫy Chúa Giê-su (6,1-6a).

c. 6,6b – 8,33 : Mở đầu, Chúa Giê-su giảng dạy (6,6b) ; kết thúc, loan báo cuộc Khổ Nạn được chuẩn bị bằng cái chết của Gio-an Tẩy Giả (6,14-29 và 8,31-33).

 
(Trục giữa gối sóng[6] : Mc 8, 27-33)

2. Phần 2 : 8, 27 – 15, 47 giới thiệu Đấng Mê-si-a là « Con Thiên Chúa ».

Tương xứng với phần 1, phần 2 cũng chia làm ba phần nhỏ luôn hướng về cuộc Tử Nạn.

a. 8,27 – 10,52 : Ba lần loan báo cuộc Vượt Qua.
b. 11,1 – 13, 37 : Sứ mạng của Đức Giê-su tại Giê- ru-sa-lem.
c. 14,1 – 15,37 : Cuộc Vượt Qua.

4. Kết ngắn : 16, 1-8, ngôi mồ trống.

16,9-20 : Kết dài (Phụ trương[7])

Nhìn một cách tổng quát, cấu trúc vừa đề nghị chỉ cho thấy có một sự tương xứng giữa hai phần của Tin mừng. Tất cả Tin mừng Mc như hướng mắt về Thập Giá của Đấng Chịu Đóng Đinh. Phần một đạt đỉnh cao với việc tuyên tín của Phê-rô : Thầy là Đấng Ki-tô, Đấng phải chịu đau khổ và ngày thứ ba sống lại (x. Mc 8,27-33). Lấy đà tiến (gối sóng) từ cuộc tuyên xưng đức tin này (Mc 8, 27-33), phần thứ hai của Tin mừng tiếp tục trình bày không úp mở cuộc Vượt Qua của Đức Giê-su mà đỉnh cao là lời tuyên xưng của viên đại đội trưởng ở dưới chân Thập Giá (15,39). Như thế, Mc tuy có vẻ khô khan, mộc mạc, nhưng cấu trúc lại rất chặt chẽ và có dụng ý thần học rõ ràng.
 

[1] Trích lá Thư Mục Vụ gửi cộng đồng Dân Chúa của HĐGMVN đề ngày 01/11/2014 ; Lời kêu gọi này được Đức cha Tô-ma Vũ Đình Hiệu, Giám mục Bùi Chu, tiếp tục triển khai trong Thư Mục Vụ số 03/2014 đề ngày 24/11/2014.

 
[2] Giáo hoàng PHANXICÔ, Niềm vui của Tin Mừng – Evangelii Gaudium, Bản dịch tiếng Việt 2013 của Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng/HĐGMVN, số số 142-154.

 
[3] Xem bản dịch Tin mừng Mác-cô của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, xb. 1998. 
 
[4] P. LAMARCHE, Evangile de Marc [Tin mừng theo thánh Mác-cô], Paris, Gabalda, 1996, tr. 28-30 ; C. FOCANT, L’Evangile selon Marc [Tin mừng theo thánh Mác-cô], Paris, Cerf, 2004, tr. 39-42 ; S. LEGASSE, L’Evangile de Marc [Tin mừng theo thánh Mác-cô], Paris, Cerf, 1997, tr. 49-51.

 
[5] Vincent MAI Van Kinh, L’expérience pascale d’une Eglise éprouvée. Etude de Marc 6,45-53 : Jésus marche sur la mer, [- Kinh nghiệm Phục Sinh của Giáo Hội gặp thử thách. Nghiên cứu Mc 6,45-53 : Chúa Giê-su đi trên mặt biển], Institut Catholique de Paris : Septembre, 2005, tr. 6-7.
 
 
[6] Gối sóng có vai trò : vừa kết thúc phần một vừa mở ra cho phần tiếp theo.
 
[7] Rất nhiều học giả cho rằng Mc 16,9-20 là đoạn được thêm sau vào trong Tin mừng Mác-cô chứ không có trong nguyên bản. x. C. FOCANT, « Un silence qui fait parler – [một thinh lặng hùng hồn lên tiếng] (Mc 16,8) » trong A. DENAUX (éd.), New Testament Textual Criticism and Exegesis [Phê bình bản văn Tân Ước và chú giải], Leuven, University Press, BEThL 161, 2002, tr. 79-96. E. CUVILLIER, « La résurrection dans l’évangile de Marc ou : La finale courte...et puis avant ? – Phục sinh trong Tin mừng Mác-cô hay bản Tin mừng với kết thúc ngắn » trong D. MARGUERAT (éd), Quand la Bible se raconte – [Khi Kinh Thánh lên tiếng kể], Paris, Cerf, 2003, tr. 105 viết : « Đã từ nhiều năm nay, rất nhiều nghiên cứu quan trọng chỉ ra rằng Tin mừng Mác-cô kết thúc ở 16, 1-8 là một giả thuyết rất thuyết phục với nhiều bằng chứng. Với giả thuyết này, Tin mừng Mác-cô càng được nổi bật tính độc đáo của nó».
...
 
Để xem đầy đủ bài viết, có thể download tại đây
Tác giả bài viết: Lm. Vinhsơn Mai Kim, ĐCV Bùi Chu

«
Next
Bài đăng Mới hơn
»
Previous
Bài đăng Cũ hơn