Ý nghĩa cầu cho Đức Giáo Hoàng, Chầu Mình Thánh?
H: Xin cha cho con hỏi: câu “cầu theo ý đức giáo hoàng” có nghĩa gì? Trong việc chầu Mình Thánh Chúa, ta phải làm như thế nào mới được gọi đúng là chầu Mình Thánh Chúa? Con rất muốn được chầu Mình Thánh Chúa nhưng con không biết phải làm như thế nào, xin cha chỉ dạy giúp con. Cám ơn Cha. (Anna Hồng Vân)
Đ: Trong việc cầu nguyện ta có thể cầu nguyện theo ý chỉ của mình: ta muốn cầu cho ai, cầu để đáp ứng những nhu cầu nào; và ta cũng có thể cầu nguyện theo ý chỉ của người khác: Người này người kia xin ta cầu cho họ, các đoàn thể cũng có những nhu cầu cần chúng ta cầu nguyện theo ý nguyện chung đó. Do đó, với tư cách là Thủ Lãnh Giáo Hội, Đức Thánh Cha cũng có những ý chỉ cho việc cầu nguyện. Là Vị Mục Tử Thủ Lãnh Người biết những nhu cầu của tòan thể Giáo Hội cũng như của các giáo đoàn địa phương, hoặc những ý cầu nguyện đặc biệt khác nữa. Là những người con trong gia đình Giáo Hội, chúng ta có nghĩa vụ hợp ý với Đức Thánh Cha để cầu nguyện cho những nhu cầu chung cho Giáo Hội. Tòa Thánh cũng thường nêu lên những ý chỉ của Đức Giáo Hoàng kêu gọi cả thế giới cầu nguyện (có thể vào trong Internet để biết ý nguyện hàng tháng của Đức Thánh Cha: http://www.ewtn.com/faith/popePrayer.htm. Vd. trong tháng 9 năm nay, Đức Thánh Cha kêu gọi thế giới cầu nguyện theo ý của Người:
Ý chung: Xin cho Lời của Chúa được nhận biết hơn, được đón nhận và được sống như là những nguồn của tự do và niềm vui.
Ý Truyền giáo: Xin cho các Kitô hữu ở Lào, Cambodia, Miến điện, những người đang gặp rất nhiều những khó khăn, để họ khỏi thất đảm trong việc rao giảng Tin Mừng cho các anh chị em, tin vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần.
Việc thờ chầu Chúa Giêsu Thánh Thể là một việc thực hành đức tin vào Bí Tích Thánh Thể từ lâu đời trong Giáo Hội. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã viết: “Giáo Hội và thế giới rất cần đến việc tôn thờ Thánh Thể. Chúa Giêsu chờ đợi chúng ta trong Bí Tích Tình Yêu này. Chúng ta đừng từ chối khi có thời giờ đến gặp Người trong việc thờ lạy, trong việc chiêm niệm đầy niềm tin và được dành để đền tạ những tội lỗi nặng nề và những xúc phạm của thế giới. Đừng bao giờ ngừng việc tôn thờ của chúng ta” (Tông thư Dominicae cenae, 3).
Việc chầu Thánh Thể là một việc biểu lộ niềm tin vào sự hiện diện đích thật của Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể. Do đó, chúng ta không thể xác định rõ phải làm gì hay nên làm gì khi chầu Thánh Thể nhưng tùy vào mối tương quan giữa ta với Chúa. Bổn phận của thụ tạo là phải thờ lạy Chúa, tỏ lòng kính trọng Người vì Người là Thiên Chúa đáng tôn thờ. Chúng ta cám ơn Người vì mọi ơn phúc Người đã ban tặng cho ta trong cuộc sống. Chúng ta xin lỗi Người vì đã có những lần xúc phạm đến Người cách này hay cách khác. Ta cũng có thể chân thành bày tỏ những nhu cầu của mình hay của người khác cho Người và xin Người ban cho ta những ơn cần thiết trong cuộc sống. Ngoài ra chúng ta cũng có thể dùng những phút thinh lặng để suy nghĩ và cầu nguyện, đọc Kinh Thánh và những sách đạo đức khác... Hãy xử với Chúa như thụ tạo đối với Thiên Chúa, như con đối với Cha, như bạn bè đối với nhau. Khiêm tốn, chân thành, yêu mến, và những tâm tình khác thích hợp.
Trong khi Chầu Thánh Thể người ta cũng có thể đọc kinh Mân Côi mà không sai trái. Trong một tài liệu của Bộ Phượng Tự và Kỷ Luật Bí Tích đã xác định rằng: “Người ta không được đặt Thánh Thể chỉ nguyên với mục đích để lần hạt Mân Côi, nhưng trong các kinh nguyện sử dụng trong lúc Chầu Thánh Thể, kinh Mân Côi cũng được bao gồm trong đó, nhấn mạnh tới chiều hướng Kitô trong các bài đọc Thánh Kinh liên quan đến các mầu nhiệm , trù liệu những giờ khắc thinh lặng và suy gẫm” (xem XXXIV edition of Notitiae(1998) 507-511).
Lm. Phi Quang