Mội vài phương thế giúp xây dựng bầu khí yêu thương trong gia đình
Để trao cho nhau sự tha thứ thật lòng thì cần phải để cho cơn giận dịu bớt, và không nên nói quá vội vã rằng « không sao cả », nhưng hãy nói một cách chân thành: « Anh làm em tổn thương, nhưng em tha thứ cho anh ».
Trao đổi
Trong lúc gia đình có sóng gió, từ những điều không hiểu nhau nhanh chóng phát ra những tia lửa… Điều quan trong là phải biết kiềm chế để nói với nhau một cách điềm tĩnh và nhẹ nhàng. Lắng nghe nhau, am hiểu cách thức diễn đạt của nhau, đề cập đến những mong đợi riêng tư của nhau, tránh xa những lời trách mắng đó là những cẩm nang giúp chúng ta tin cậy và tôn trọng lẫn nhau. « Kể từ khi tôi thực sự tập cách lắng nghe các con cái khi chúng từ trường học trở về nhà, thì bầu khí bớt đi rất nhiều căng thẳng », Anna, người mẹ của bốn đứa trẻ, kể lại.
Tha thứ
Sự vụng về và sự thiếu yêu thương thường gây ra những tổn thương. Trao và nhận sự tha thứ cho phép chúng ta không phải là quên đi hay xóa đi lỗi phạm, nhưng là tái thiết lập mối quan hệ yêu thương và sự tin tưởng. « Tha thứ vun đắp đời sống lứa đôi và đào sâu tình yêu hỗ tương », cha Jacques Marin, tác giả của cuốn sách về chủ đề tha thứ dám đảm bảo chắc chắn như vậy. Để trao cho nhau sự tha thứ thật lòng thì cần phải để cho cơn giận dịu bớt, và không nên nói quá vội vã rằng « không sao cả », nhưng hãy nói một cách chân thành: « Anh làm em tổn thương, nhưng em tha thứ cho anh ».
Xây dựng bầu khí vui tươi và hài ước
Tất cả chúng ta đều có khả năng rộng lớn để mang lại hạnh phúc cho những người thân thuộc…như thông qua sự hài ước. Một vài ấn tượng chắc hẳn đem lại niềm vui, tuy nhiên cũng có thể xây dựng niềm vui bằng những thói quen tốt như: có cái nhìn theo chiều hướng tích cực, không tiết kiệm lời khen ngợi, ghi nhớ những ngày lễ và những tập tục của gia đình, tận hưởng những niềm vui nho nhỏ trong cuộc sống, và có chút hài…
Cầu nguyện trong gia đình
Trong khi cùng nhau quây quần trước mặt Thiên Chúa, mọi thành viên trong gia đình kín múc Tình Yêu từ một suối nguồn đích của Thiên Chúa, đồng thời nhìn nhận rằng « nhân vô thập toàn ». Về việc thực hành cầu nguyện có thể đơn giản là: đọc một kinh Lạy Cha, hay một kinh Kính Mừng, hay là dành một khoảng thời gian thinh lặng trong một nhà thờ…Ngoài ra, những dấu hiệu bề ngoài có thể hỗ trợ cho việc cầu nguyện như: một hang đá Giáng Sinh, một tượng chịu nạn, một ngọn nến cháy sáng, một tấm hình, một nơi cầu nguyện…Chúng ta cũng có thể tín thác nơi Thiên Chúa tất cả những niềm vui cũng như những âu lo trong gia đình, cầu nguyện cho những bệnh nhân, những người qua đời, cho cha mẹ đang ở xa, hay là những sự kiện xảy ra trên thế giới.
(Nguồn: Simples questions sur la vie)
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng