sponsor

sponsor

Slider

Recent Tube

Business

Thông Tin Giáo Xứ Quỹ Đê

Life & style

Games

Sports

Fashion

» » Có nơi gọi là hỏa ngục hay không?

Có nơi gọi là hỏa ngục hay không?
Hỏi: Nhân tháng cầu cho các linh hồn, xin cha giải thích: nếu Thiên Chúa yêu thương và muốn cho mọi người được cứu độ thì làm gì còn có hoả ngục như Giáo Hội dạy nữa?
Doomsday-by-Moskos.jpg  

Trả lời : 
Trước hết, chúng ta cần minh xác điều quan trọng này: là con cái sống trong Giáo Hội, mọi tín hữu đều được mong đợi tuyệt đối vâng phục và thi hành những gì Giáo Hội dạy với Quyền Giáo Huấn (Magisterium) về các vấn đề liên can đến đức tin (faith), giáo lý (doctrine), tín lý (dogma) và luân lý Kitô giáo ( Christian moral). Đây là chức năng (competence) và cũng là sứ mệnh của Giáo Hội với tư cách là Hiền Thê của Chúa Kitô và là Mẹ của mọi tín hữu.
Cho nên, nếu không tin, vâng phục và thi hành những gì Giáo Hội dạy trong những phạm vi tối quan trọng trên đây, thì người tín hữu dựa vào đâu để sống và thực hành đức tin của mình trong trần thế này ?
Vậy, Giáo Hội dạy thế nào về tình thương của Chúa và về án phạt hoả ngục? 
I. Thiên Chúa là tình thương (1 Ga 4:8) 
Thật vậy, vì yêu thương vô vị lợi nên Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người theo hình ảnh của một Thiên Chúa Ba Ngôi là “ Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý” (1Tm2:4)
Chúa Giêsu xuống thế làm Người và chết trên thập giá cũng vì tình thương vô biên này của Thiên Chúa muốn cứu cho con người khỏi chết vì tội lỗi.Cho nên, Chúa Giêsu đã tự hiến mình " làm giá chuộc cho muôn người." ( Mt 20 : 28) )
Đây là chân lý không ai có thể chối cãi được trừ những người vô thần không tin có Thiên Chúa. 
Nhưng cho dù Thiên Chúa yêu thương con người đến như vậy, Ngài cũng không thể bắt buộc ai phải yêu mến và sống theo đường lối của Ngài. Lý do là Thiên Chúa tạo dựng và ban riêng cho con người hai quà tặng mà Ngài không ban cho các tạo vật khác : đó là lý trí và ý chí tự do (intelligence and freewill). Lý trí giúp con người khám phá ra Thiên Chúa qua công trình sáng tạo vũ trụ và vạn vật hữu hình của Ngài. Ý chí tự do cho phép con người lựa chọn hoặc tin và yêu mến hay khước từ Thiên Chúa trong cuộc sống trên trần thế này. Nghĩa là nếu con người sử dụng tự do của mình để tìm kiếm Thiên Chúa và sống theo đường lối của Ngài thì sẽ được chúc phúc ngay trong cuộc sống này, và chung cuộc, sẽ được hưởng hạnh phục vĩnh cửu với Chúa trong Nước Hằng Sống.
Ngược lại, nếu con người muốn khước từ Thiên Chúa và tình yêu của Ngài để tự do sống hoàn toàn theo ý riêng của mình thì Thiên Chúa sẽ tôn trọng tự do ấy. Nhưng con người sẽ phải lãnh chịu mọi hậu quả của việc mình làm vì tự do lựa chọn đó trong cuộc sống này.Và đây là lý do tại sao phải có sự thưởng phạt đối với con người về cách sử dụng ý muốn tự do của mình như Thiên Chúa đã nói với dân Do Thái xưa:
Nhưng điều Ta truyền cho các ngươi là: hãy nghe tiếng Ta thì Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi và các ngươi sẽ là dân của Ta. Hãy bước theo mọi đường lối Ta truyền dạy để các ngươi được hạnh phúc.”(Gr 7:23)
Nhưng vì dân Do Thái đã không tuân giữ những thánh chỉ của Chúa và sống theo đường lối của Người, nên Ngược lại, Thiên Chúa đã phải buồn lòng mà trách mắng họ như sau:
“Suốt bốn mươi năm, dòng giống này làm Ta chán ngán
Ta đã nói : đây là dân tâm hồn lầm lạc
Chúng nào biết đến đường lối của Ta
Nên Ta
 mới thịnh nộ thề rằng :
Chúng sẽ không được vào chốn yên nghỉ của Ta”. (
Tv 95: 10-11)
Trong tinh thần và mục đích ấy, Chúa Giêsu, khi đến trong trần gian để rao giảng Tin Mừng Cứu Độ , cũng đã nói rõ với các Tông đồ như sau:
“Không phải ai thưa với Thầy: “Lạy Chúalạy Chúa là được vào Nước Trời cả đâu
Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi.”
 (Mt 7: 21).
Như thế rõ ràng cho thấy là Thiên Chúa càng yêu thương con người bao nhiêu thì Ngài càng không muốn con người xa lìa Ngài, vì Ngài là chính nguồn sống và hạnh phúc nên muốn chia sẻ hạnh phúc ấy cho con cai loài người là “ hình ảnh của Ngài” trên trần thế (St 1:27).
Thiên Chúa không ích kỷ và tự mâu thuẫn khi cho con người có tự do lựa chọn rồi lại sửa phạt con người về tự do đó.
Thật ra, chúng ta phải hiểu rằng chính vì yêu thương, nên Thiên Chúa mong muốn cho con người sống theo đường lối của Ngài để được sung sướng hạnh phúc chứ Thiên Chúa không được lợi lộc gì để mong muốn như vậy. Điều này không có gì mâu thuẫn với tình thương vô biên của Chúa đối với con người. Nói một cách loại suy cho dễ hiểu thì: không người cha, người mẹ nào muốn hay cho phép con cái mình ăn những thực phẩm và uống nước có chứa độc chất. Ngược lại, cha mẹ nào cũng muốn cho con cái ăn uống những thức ăn bổ dưỡng để được khoẻ mạnh và sống vui. Thiên Chúa là Cha còn yêu thương con cái loài người hơn bất cứ cha mẹ nào trên trần thế này có thể yêu thương con cái mình được như vậy.. Do đó, sự thưởng phạt của Thiên Chúa phải được hiểu theo nghĩa con người được lợi hay phải chịu thiệt vì hậu quả tự do chọn lựa của mình trong cuộc sống trên đời này. Sự tức giận của Thiên Chúa khi thấy con người làm sự dữ, sụ tội cũng ví như sự tức giận của cha mẹ khi thấy con cái mình không biết nghe lời khuyên dạy về những việc tôt nên làm và tránh những việc mang lại hậu quả khốc hại cho chúng mà thôi.Như thế, sự tức giận ở đây cũng chỉ vì yêu thương chứ không vì lợi lộc riêng tư nào của cha mẹ và của Chúa. 
II. Có hình phạt hoả ngục không? 
Kinh Thánh đã nói gì về nơi gọi là hoả ngục (hell= sheol=hades)?
Trước hết, ngôn sứ I-sai-a đã mô tả hỏa ngục với những hình ảnh đáng sợ như sau: 
Và khi ra về, mọi người sẽ thấy xác của những kẻ phản loạn chống lại Ta
Vì giòi bọ rúc tiả, chúng sẽ không chết
Lửa thiêu đốt chúng, sẽ không tàn lụi
Chúng sẽ là đồ ghê tởm cho mọi ngươì phàm.”
 (Is 66:24)
Sau này, trong khi đi rao giảng Tin Mừng Cứu Độ, chính Chúa Giêsu cũng đã nhiều lần nói đến hoả ngục như sau:
“Nếu mắt ngươi làm cớ cho ngươi sa ngã thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục, nơi giòi bọ không hề chết vì lửa không hề tắt.” (Mk 9: 47-48)
Hoặc trong dụ ngôn ngày phán xét chung, Chúa sẽ nói với những người, khi con sống, đã không biết thương người khác và thực thi bác ái như sau: 
Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta, mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác quỷ và các sứ thần của nó.” (Mt 25:41)
Hay lời Chúa trong Sách Khải Huyền sau đây: 
Tử thần và âm phủ bị quăng vào hồn lửa. Hồ lửa này là cái chết thứ hai. Ai không có tên ghi trong Sổ Trường Sinh thì bị quăng vào hồ lửa.” (Kh 20:14-15) 
Dựa vào những lời Chúa trên đây, Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo dạy rằng:
“Giáo huấn của Giáo Hội khẳng định có hoả ngục và tính vĩnh viễn của nơi này.Linh hồn những ngươì chết trong tình trạng tội trọng sẽ lập tức xuống đây để chịu hình phạt lửa đời đời. Hình phạt chính của hỏa ngục là phải đời đời xa lià Thiên Chúa mà chỉ nơi Ngài con người mới có sự sống và hạnh phúc là điều con người mong muốn khi được tạo dựng.” (SGLGHCG, số 1035) 
III. Hỏa ngục dành cho ai? 
Thánh Kinh quả quyết có hoả ngục nơi “lửa không hề tắt” như đã dẫn chứng trên đây. Giáo Hội cũng tin có hoả ngục tồn tại như một hình phạt dành cho những ai cho đến phút chót của đời sống vẫn khăng khăng chối từ Thiên Chúa và tình yêu của Ngài. Những ai không yêu thương anh em cũng không đáng hưởng hạnh phúc thiên đàng, vì chưng: 
kẻ không yêu thương thì ở lại trong sự chết.
Phàm ai ghét anh em mình thì là kẻ sát nhân
Và anh em biết : không kẻ sát nhân nào có sự sống đời đời trong nó
.” (1 Ga 3:15).
Như vậy, những ai sống trên trần gian này mà hoàn toàn khước từ Thiên Chúa, không yêu thương người khác, lại làm những điều gian ác, tội lỗi và không hề ăn năn hối lỗi để xin Chúa tha thứ thì chắc chắn họ đã tự chọn cho mình một nơi ở xứng hợp sau khi chết. Nghiã là Thiên Chúa không phạt hay tiền định cho ai phải xuống hoả ngục. Ngài yêu thương và muốn cho mọi người được cứu độ để được sống hạnh phúc đời đời với Ngài trên Thiên Quốc. Chính con người đã tự phạt mình trong nơi gọi là hỏa ngục mà thôi.
Cứ nhìn vào thực trạng của thế giới nay, người ta cũng có thể nhìn thấy rõ nét lằn ranh giữa Thiên đàng và hoả ngục. 
Thật vậy, trong khi có những người sả thân phục vụ vô vị lợi như Mẹ Têrêxa ( nay là Chân phước= Blessed) trước đây và các nữ tu của Mẹ bây giờ ở bên Ấn Độ và các nước nghèo khác, thì cả thế giới vẫn dửng dưng hay lãnh cảm ( numb) trước sự nghèo đói của biết bao triệu người bên Phi Châu, Ấn Độ, Bắc Hàn và cả ViêttNam.! Ở Ấn Độ, cho đến nay vẫn tồn tại một giai cấp cùng đinh gọi là " Untouchables" nghĩa là mọi công dân khác không ai được tiếp xúc với loại người bị khinh chê và không được pháp luật bảo vệ này !
Cũng ở bên Á Châu, nạn giết trẻ em (trẻ nữ) =Infanticide ở trung Hoa lục địa vẫn là một thực tế và thực thể ( reality and entity) đáng ghê sợ và vô cùng tội lỗi từ bao thế kỷ nay, vì quan niệm trọng nam khinh nữ trước kia và vì chính sách một con cho mỗi gia đình dưới chế độ công sản hiện nay.. Đặc biệt là ở Việt Nam nghèo khó ( người dân đen thôi) , trẻ em và phụ nữ đang bị đem bán làm trò mua vui cho kẻ vô luân, vô đạo, một thực trạng vô cùng thương tâm. Nhưng kẻ cầm quyền, người có trách nhiệm lo cho phúc lợi của nhân dân và giữ gìn kỷ cương, luân thường đạo lý của xã hội, lại nhắm mắt bịt tai cho sự dữ đó được tự do hoành hành, làm khổ biết bao phụ nữ nạn nhân , vì nghèo đói, phải nhắm mắt đưa chân theo bọn buôn người vô luân vô đạo đem bán cho những động mãi dâm hay làm nô lệ tình dục dưới hình thức hôn nhân nước ngoài !. Mặt khác, cuộc chiến tranh vẫn tiếp diễn ở Afghanistan, Syria, Yemen ...khiến hàng trăm ngàn người dân vô tội bị giết chết oan uổng. Xung đột đẫm máu vẫn thường xuyên xẩy ra giữa người Do Thái và Palestine bên trung đông, và đặc biệt, người tín hữu Kitô giáo( Công giáo và Tin lành) đang bị bách hại ở Ai Cập, Iraq.. bởi bọn quá khích Hồi giáo v.v .Mặt khác,“văn hoá sự chết”(culture of death) vẫn ngày một thêm được quảng bá ở khắp nơi trên thế giới để lôi cuốn thêm nhiều người vào vòng chối bỏ Thiên Chúa để mặc sức tôn thờ vật chất và sống sa đọa, vô luân, vô đạo.
Trước thực trạng này, liệu một Thiên Chúa cực tốt cực lành, công bình và yêu thương có thể chấp nhận được không ? 
Chắc chắn không thể lấy cớ Thiên Chúa yêu thương để biện mình cho nếp sống vô luân vô đạo, bất công, gian ác, giết người, dâm ô, trộm cướp, bóc lột, tàn nhẫn ..ở khắp nơi trên thế giới ngày nay được. Nếu rượu, dầu hôi và nước không thể hoà tan với nhau được vì khác tỷ trọng thì mọi hình thái của tội lỗi cũng tuyệt đối không thể dung hợp được với bản chất cực tốt cực lành của Thiên Chúa.Ánh sáng và bóng tối khác nhau thế nào thì tội lỗi còn nghịch cùng Thiên Chúa cách nặng nề hơn nữa, đến mức vô phương thỏa hiệp.Thiên Chúa yêu thương con người nhưng không thể chập nhận một hình thái tội lỗi nào vì nó đi ngược hẳn với bản chất tốt lành, thánh thiện của Người.Do đó, muốn sống hạnh phúc với Chúa tình thương, Chúa nhân hiền và thánh thiện, con người phải xa tránh mọi tội lỗi và mọi sự dữ cũng như luôn tin tưởng nơi lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa để xin Người tha thứ mọi lỗi lầm vì yếu đuối của nhân tính, cám dỗ của ma quỉ và gương xấu của thế gian. Tình thương và tha thứ của Thiên Chúa chắc chắn lớn hơn tội lỗi của con người, nhưng con người phải có thiện chí và quyết tâm từ bỏ tội lỗi như Chúa đòi hỏi thì mới xứng đáng hưởng tình thương tha thứ của Người và được sống hạnh phúc với Người trên Nước Trời mai sau.
Ước mong giải đáp này thỏa mãn câu hỏi đặt ra.
LM .Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn.

«
Next
Bài đăng Mới hơn
»
Previous
Bài đăng Cũ hơn