sponsor

sponsor

Slider

Recent Tube

Business

Thông Tin Giáo Xứ Quỹ Đê

Life & style

Games

Sports

Fashion

» » Cẩm nang đời sống hôn nhân

Cẩm nang đời sống hôn nhân
Cẩm nang đời sống hôn nhân

01/ nguyên tắc tối quan trọng để xây dựng đời sống chung là ý thức được sự khác biệt của nhau, và chấp nhận sự khác biệt ấy như một kho tàng giúp phong phú hóa lẫn nhau.
02/ Cần tâm niệm rằng người vợ có những điểm hoàn toàn khác biệt với chồng. Chỉ khi nào chấp nhận sự thật ấy thì người chồng mới thấy rằng hiểu vợ mình là một điều cần thiết. .. Hiểu một người đàn bà là chấp nhận rất nhiều điều mà người đàn ông chỉ có một ý niệm lờ mờ.
03/ Cho rằng chuyện của vợ mình là chuyện vớ vẩn, hoặc vợ mình là người kém hiểu biết, thì người chồng bắt đầu tỏ ra hờ hững và vô tình.
04/ Thật ra người vợ có cái lý của họ. Những gì mà người chồng cho là vô lý nơi vợ mình, thực ra chỉ là những điều mà ông ta không hiểu hoặc không muốn hiểu.
05/ Tiếng “không” mà đôi khi người vợ phải thốt lên với chồng là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy rằng ông không thể xử sự với vợ chỉ bằng lý luận khúc chiết của ông, mà trái lại còn phải có tình thương, có sự cảm thông hơn, có sự khoan nhượng hơn.
06/ Người vợ nói “không” là để thách thức người chồng để ông xử sự như một người chồng. Kỳ thực như một tác giả đã nói: “Người đàn ông chỉ thực sự là đàn ông khi có người đàn bà ”. Người chồng chỉ thực sự là người chồng khi có sự thách thức của người vợ.
07/ Người chồng đừng bao giờ quên rằng: người vợ, tự bản chất, mong muốn cho những người thân của mình được hạnh phúc. Nhưng dĩ nhiên theo cách thế của đàn bà. Khi mong muốn cho người thân của mình được hạnh phúc, người đàn bà cũng có thể tỏ ra độc tài như là muốn mọi người phải làm theo ý của mình. Nhưng cái ý muốn làm cho người khác được hạnh phúc và bắt người khác phải làm theo ý mình thực ra cũng là một hình thức dâng hiến của người đàn bà.
08/ Cái nhìn của đàn bà về cuộc sống thường nồng nhiệt, hăng say hơn cái nhìn của người đàn ông. Họ dễ cảm xúc hơn đàn ông khi đứng trước nỗi khổ của người khác. Người ta gọi cái nhìn của đàn bà là cái nhìn trực giác. Nghĩa là đàn bà nhìn xuyên suốt qua bản chất của sự vật và thích nghi với thực tế dễ dàng hơn đàn ông.
09/ Một tác giả đã ví von như sau: người đàn bà đối với người đàn ông cũng như con số không đối với những con số khác. Tự nó số không chẳng có giá trị nào. Nhưng thêm vào đó một đơn vị nó sẽ tăng gấp mười lần giá trị của một con số.
10/ Đời sống hôn nhân là khởi đầu của một cuộc khám phá. Yêu nhau, nên một với nhau, không có nghĩa là xóa bỏ mọi khác biệt, cũng không có nghĩa là bắt người khác phải nên giống mình. Sự hòa hợp chỉ có khi hai bên biết tôn trọng những khác biệt của nhau. Mãi mãi người phối ngẫu vẫn là một mầu nhiệm để chiêm ngưỡng.
11/ Bao lâu người chồng ý thức rằng vợ mình có những khác biệt trong sự suy nghĩ, trong hành động, trong cách cư xử, và cố gắng để tôn trọng và hoà hợp với những khác biệt ấy thì đó là dấu chỉ cho thấy người chồng còn tha thiết với tình yêu và hạnh phúc lứa đôi. Trái lại khi người chồng không nhìn nhận những khác biệt ấy và cưỡng bách người vợ phải khuôn rập theo cách suy nghĩ, hành động và ý muốn của mình, lúc đó sẽ không có tình yêu nữa mà chỉ là có nô lệ và sợ hãi.
12/ Khởi đầu cuộc sống vợ chồng, người chồng trẻ nên tâm niệm mỗi ngày rằng vợ mình có những điểm khác biệt với mình, và những khác biệt ấy không phải là một cản trở cho tình yêu, mà trái lại là một yếu tố giúp cho mình được thêm phong phú, và cần thiết cho việc vun xới và củng cố tình yêu vợ chồng.
13/ Sau thời gian hẹn hò, sau những ngày thần tiên của tuần trăng mật nhiều người đàn bà đã thất vọng. Con người đàn ông của thời gian hẹn hò, con người đàn ông của những ngày đầu đời sống vợ chồng, không còn nữa. Trước mắt họ, giờ đây chỉ còn là một người chồng với rất nhiều giới hạn và khuyết điểm. Con người lý tưởng họ đã từng ôm ấp trong trái tim, giờ đây để lộ chân tướng của mình.
14/ Khuyên những người vợ trẻ đừng thất vọng. Họ hãy thực tế để chấp nhận chồng mình, một người chồng với rất nhiều giới hạn và khuyết điểm. Người chồng đó là một người đàn ông, nghĩa là một con người có những suy nghĩ, hành động, cách cư xử khác với đàn bà, một người đàn ông luôn muốn được làm đàn ông theo cách thế riêng của mỗi người.
15/ Người đàn ông nào cũng muốn đóng trọn vai trò đàn ông của họ trong gia đình. Người đàn ông nào cũng muốn thể hiện tính đàn ông của mình, và dĩ nhiên, theo cách thế của đàn ông của họ, chứ không theo sự chỉ đạo và yêu cầu của người vợ.
16/ Trong những cuộc xích mích và cãi cọ giữa hai người, người vợ thường gọi chồng mình là kẻ ích kỷ. Đây không phải là một kết luận sai lầm. Quả thực, người đàn ông nào cũng có đôi chút ích kỷ. Ý thức hay vô thức, người đàn ông nào cũng ích kỷ. Sự ích kỷ ấy thường thể hiện bằng nỗi khát khao được độc lập nơi người đàn ông. Tự bản chất, người đàn ông không thích sống dựa vào đàn bà như một bóng mờ. Họ muốn làm chủ. Họ muốn điều khiển trong gia đình. Sự độc lập ấy cũng thường được biểu lộ qua những phản ứng đầy tự ái của họ.
17/ Nói chung người đàn ông không thích được người vợ lên lớp chỉ bảo. Cho dẫu rất yếu đuối khi đứng trước đàn bà, cho dầu là nô lệ của rất nhiều đam mê, người đàn ông vẫn luôn tỏ ra làm chủ được tư tưởng, đời sống trí thức, những xác tín về tôn giáo và chính trị của mình. Người đàn ông không muốn tỏ ra lệ thuộc vào cách suy nghĩ của đàn bà. Lắm khi chúng ta nghe đàn ông thốt lên: “Chuyện đàn bà ! Chuyện vớ vẩn !”
18/ Không muốn tỏ ra mình lệ thuộc vào đàn bà, người đàn ông đương nhiên muốn tỏ ra mình là chủ trong nhà. Đàn ông tính nơi họ khiến họ muốn điều khiển và chỉ đạo trong nhà. Từ đó, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy có nhiều người đàn ông cư xử một cách độc tài.
19/ Dĩ nhiên không phải mọi người đàn ông đều hành động theo sự ích kỷ của mình. Sự rèn luyện, tình yêu thương đối với vợ con giúp cho rất nhiều người đàn ông thắng vượt những hẹp hòi nhỏ nhen của họ để có thể hy sinh trọn vẹn cho vợ con.
Tuy nhiên, không có người đàn ông nào là lý tưởng cả. Mỗi con người là một thực thể độc nhất vô nhị. Mỗi người đàn ông đều có những đức tính và những khuyết điểm của họ.
20/ Đức tính và khuyết điểm nổi bật hơn cả nơi người đàn ông chính là muốn thể hiện đàn ông tính của mình. Người đàn ông nào cũng muốn làm và được hãnh diện làm người đàn ông. Hôn nhân là điều kiện để cho tính đàn ông của họ được thể hiện một cách trọn vẹn. Vai trò của người vợ là giúp cho chồng mình được trở nên đàn ông hơn. Sống với một người đàn ông có nghĩa là chấp nhận những tham vọng, những khó khăn, những khuyết điểm của họ. Nhưng đồng thời cũng giúp cho họ tăng trưởng theo những đức tính của họ.
21/ Tình yêu vợ chồng chỉ có thể được xây dựng, được vun xới trong chân lý và bác ái. Trong chân lý nghĩa là chấp nhận và chịu đựng những khuyết điểm, những thiếu sót của nhau, cũng như những khác biệt trong bản chất của mỗi người. Trong bác ái, nghĩa là không ngừng cảm thông và tha thứ.
22/ Một người chồng tốt thiết yếu là một người đàn ông luôn biết quan tâm đến vợ mình. Quan tâm đến vợ cũng có nghĩa là ý thức được những khác biệt của vợ, đoán biết đâu là những chờ đợi của vợ. Hiểu biết và thông cảm đó là quy luật cơ bản mà những người chồng trẻ phải chú tâm.
23/ Trong đời sống vợ chồng có lẽ không có hình ảnh nào đẹp cho bằng hình ảnh người vợ chờ chồng đi làm về . Người vợ như muốn cho chồng mình thấy rằng chồng là tất cả của họ. Suốt một ngày chờ đợi như nổ tung ra khi người chồng xuất hiện… Người vợ muốn chồng nghe tất cả những gì mà mình đã sống trong một ngày chờ đợi. Có những chuyện quan trọng mà có thể cũng có những chuyện không quan trọng.
24/ Nhưng đối với người vợ, điều quan trọng không phải là nội dung của những gì họ kể ra cho bằng chính nhu cầu được nói, được tâm sự, được chia sẻ. Cô đơn là thử thách nặng nề nhất đối với người đàn bà.
25/ Sau một ngày vất vả ngoài đồng áng, sau một ngày tất bật nơi sở làm, sau một ngày bị bao vây bởi không biết bao nhiêu bực bội, người chồng nào cũng mong tìm được những giây phút thanh thản yên lặng. Nhưng họ nhớ rằng cái nhu cầu được thông tin, được chia sẻ của người vợ có lẽ còn lớn hơn cả cái nhu cầu được yên tĩnh của họ. Sự hòa hợp trong đời sống vợ chồng đòi hỏi người chồng bước thêm một bước nữa trong sự hy sinh của họ. Đó là lắng nghe, cảm thông với vợ mình.
26/ Nhu cầu được chia sẻ, được lắng nghe, được nói , được ra khỏi chính mình thật ra cũng là thể hiện một nét đẹp thiên phú của tâm hồn nữ giới. Đó là được dâng hiến, trao ban.
27/ Người đàn ông có thể cuộn mình trong cái vỏ của họ để hưởng thụ, để sống một mình mà không cần quan tâm đến sự hiện hữu của những người chung quanh. Người đàn bà thì trái lại không thể sống, không thể hành động, không thể hưởng thụ một mình. Họ muốn cho những cảm xúc của họ được vang dội trong tâm hồn người khác. Họ muốn cho sự hy sinh của mình được người khác nhìn nhận và biết ơn. Họ muốn niềm vui của mình cũng được chia sẻ với người khác.
28/ Trao ban và dâng hiến là những việc mà người đàn bà xem đó như một thể hiện của nữ tính. Đó là một cách thế để họ khẳng định chính mình. Bởi đó người đàn bà còn có nhu cầu được nhìn nhận và biết ơn. Một tiếng cám ơn, dù chỉ được nói lên một cách máy móc, sẽ được người đàn bà đón nhận và cất giữ rất trân trọng… Một người đàn ông muốn giữ vợ, một người đàn ông muốn sống hòa thuận với vợ, người đàn ông đó phải biết mở miệng khen ngợi và cám ơn vợ mình. Một người chồng tốt sẽ không bao giờ coi những việc vợ làm cho mình là một bổn phận, là điều phải làm. Hãy đón nhận tất cả những gì vợ làm cho mình như một trao ban. Hãy không ngừng nói lên những tiếng cám ơn và những lời khen tặng.
29/ Người chồng đừng quên rằng những cái mà ông cho là nhỏ nhặt, vớ vẩn, là chuyện đàn bà có thể là những điều rất quan trọng đối với vợ ông. Nếu người đàn ông biết nhìn ra tầm quan trọng của những cái nhỏ nhặt, không ra gì đó có lẽ ông đã tìm ra được bí quyết của hạnh phúc gia đình. Nói cách khác, người chồng đó đã hiểu được vợ, đã cảm thông với vợ. Và nhất là đã biết quan tâm đến vợ mình.
30/ Người ta có thể nói: “Nơi người đàn bà tất cả đều là quả tim, trong khi đó nơi người đàn ông tất cả đều là cái đầu”. Ngay cả khi yêu người đàn ông cũng yêu với đầu óc, với sự lý luận của mình. Đó là lý do tại sao người đàn ông đơn giản hơn người đàn bà. Đơn giản ở đây không đồng nghĩa với ngây ngô khờ khạo mà chính là trong suốt minh bạch. Người đàn ông không để ý đến những chi tiết. Họ nhìn thẳng vào điều cốt yếu họ xếp loại mọi sự. Khi biểu lộ tình cảm của mình, người đàn ông xem ra ít tế nhị, ít tinh tế, ngay cả cục mịch nữa. Tính đơn giản nơi người đàn ông một phần cũng do chính cấu trúc thể lý của họ. Sức mạnh thân xác khiến họ tự tin và cũng dễ gây hấn hơn.
31/ Người vợ cũng cần hiểu rằng một trong những nhu cầu lớn của chồng mình chính là hoạt động. Một người đàn ông chỉ thực sự được thỏa mãn khi họ hiến thân cho một công việc, một lý tưởng, một hành động, một công cuộc. Người đàn ông luôn muốn sáng tạo bằng sức mạnh của đôi tay, bằng sự suy nghĩ của khối óc.
32/ Người vợ tốt không nên là một cản trở đối với sự hoạt động của người chồng. Người vợ ấy sẽ không tỏ ra buồn phiền khi người chồng không dành mọi tâm tư và suy nghĩ cho mình. Người vợ phải nghĩ rằng nhân cách của một người đàn ông mình yêu thương kính trọng chỉ được thực hiện qua những hoạt động và thi thố bên ngoài ấy.
33/ Người vợ nên nhớ rằng những cách biểu lộ tình cảm của đàn ông khác với người đàn bà. Tình yêu thương người đàn ông dành cho gia đình, vợ con thường được biểu lộ qua sự chú tâm, những hy sinh, sự cặm cụi làm việc. Cho dẫu người đàn ông có thiếu tế nhị và lịch sự, cho dẫu cung cách của người đàn ông có thiếu sự tinh tế và tình cảm, thì điều đó không có nghĩa là người đàn ông không biết yêu hay không có tình yêu.
34/ người đàn ông nào cũng muốn là chủ trong nhà. Người đàn bà, tự bản chất, cũng muốn bên cạnh mình có một nơi nương tựa vững chắc. Do đó trong bất cứ xã hội nào, vai trò chủ động của người đàn ông trong gia đình là điều không ai chối cãi. Người chồng nên thành toàn hơn, nghĩa là có một nhân cách để phát triển hơn khi họ đóng trọn vai trò ấy. Một người vợ yêu chồng sẽ là một người đàn bà biết nhìn nhận vai trò ấy của chồng và tạo điều kiện để chồng mình thi thố vai trò ấy.
35/ Hôn nhân là một công trình xây dựng chung của hai vợ chồng. Hai tâm lý khác nhau, hai lối suy tư khác nhau, hai biểu lộ khác nhau, hai sở thích khác nhau. Đó là kho tàng quí giá nhất của đời sống vợ chồng. Sự khác biệt đó không phải là hố ngăn cách hai người, mà trái lại bổ túc cho nhau, làm cho nhau nên phong phú hơn.
36/ Đành rằng với sức mạnh của đôi tay, với sự vững chãi trong lý luận, người đàn ông phải đóng vai trò làm chủ, lèo lái trong gia đình. Nhưng điều đó không có nghĩa là người đàn ông đương nhiên làm chủ hay chiếm hữu người vợ như một dụng cụ.
37/ Mỗi con người là một huyền nhiệm. Điều đó vẫn tiếp tục có giá trị trong đời sống vợ chồng. Mãi mãi người vợ là một kho tàng vô tận để cho người chồng khám phá. Tâm hồn người phụ nữ phong phú đến nỗi dù cả một đời cũng sẽ quá ngắn ngủi để cho người chồng có thể hiểu được trọn vẹn vợ mình. Nơi người vợ, những cái bất toàn và những cái đẹp quyện vào nhau khắng khít đến độ người chồng phải đón nhận tất cả như một toàn thể.
38/ Một tác giả đã nói: “Người đàn bà dịu dàng và quí phái đến đâu cũng có chút diêm sinh của hỏa ngục. Và không có một người đàn bà nào xấu xa đến độ không còn một góc của thiên đàng trong tâm hồn họ.”
39/ Đón nhận người vợ với tất cả những khuyết điểm và đức tính của họ, phải là thái độ cơ bản của một người chồng trưởng thành. Lắm khi trong đời sống vợ chồng. Người chồng chỉ lưu ý đến những khuyết điểm mà quên đi những đức tính tốt của vợ mình.
40/ Tình yêu đích thực là một tình yêu tỉnh thức và quảng đại. Tỉnh thức để nhìn ra những đức tính tốt tiềm ẩn nơi người vợ. Quảng đại để có thể cảm thông và tha thứ cho những khuyết điểm của vợ. Đôi khi những khuyết điểm ấy cũng có thể là những đức tính tốt được thể hiện một cách lệch lạc. Chẳng hạn như tính hay ghen nơi người đàn bà.
41/ Người ta vẫn nói một chút ghen tương là gia vị làm cho tình yêu thêm đậm đà. Nhưng gia vị nào dùng quá liều lượng cũng sẽ biến thức ăn ra mặn chát, chua cay. Một chút ghen tương của người vợ là biểu hiện của tình yêu và sự âu yếm mà người vợ dành cho chồng. Nhưng khi ghen tương đã trở thành bệnh hoạn thì sẽ chỉ còn là mật đắng.
42/ Bước vào đời sống hôn nhân, những người chồng trẻ không nên nghĩ rằng họ sẽ làm chủ hay làm thầy dạy của vợ mình. Tình yêu của họ phải được xây dựng trên sự tôn trọng và bình đẳng. Phải luôn ý thức rằng, chức năng của người chồng không phải là uốn nắn, cải tạo người vợ theo như ý muốn của mình. Người vợ sẽ không bao giờ trở thành mẫu người như người chồng mong muốn.
43/ Nhiều người cũng chưa trưởng thành đầy đủ để xây dựng tình yêu hôn nhân. Một trong những dấu hiệu của sự thiếu trưởng thành đó là họ không hiểu hoặc không muốn hiểu những khác biệt nơi người phối ngẫu của mình. Những xung khắc đưa đến đổ vỡ thường bắt nguồn từ chỗ không hiểu nhau.
44/ Một trong những điều cơ bản nhất mà người vợ trẻ nên nhớ, đó là người đàn ông không muốn được đối xử như trẻ con. Dĩ nhiên ai cũng muốn được yêu thương, chiều chuộng, săn sóc. Nhưng người đàn ông không chờ đợi nơi vợ mình một thứ tình yêu mà mẹ ông đã dành cho ông.
45/ Người đàn bà nào cũng có khuynh huớng cư xử với chồng như một người mẹ. Họ lo cho chồng từng ly từng tí. Thoạt tiên người đàn ông dễ cảm động về sự chú ý và săn sóc của người vợ. Nhưng người đàn bà càng đối xử với chồng bằng tình mẫu tử thì người đàn ông lại càng cảm thấy mình nhỏ bé lại.
46/ Thái độ cực đoan nào cũng dễ làm cho người khác bực mình. Người đàn ông thèm được săn sóc chiều chuộng. Nhưng một sự chiều chuộng thái quá sẽ cho họ cái cảm tưởng rằng họ không phải là một người đàn ông cứng rắn, một người trưởng thành và đáng tin cậy.
47/ Người đàn ông tự bản chất thích được độc lập . Một gia đình riêng, một mái nhà riêng, một công việc riêng, đó là thể hiện của tinh thần độc lập nơi người đàn ông. Vai trò chủ động trong gia đình cũng xác quyết tư thế độc lập của người đàn ông. Người đàn ông nào cũng muốn có được sự tùng phục của mọi người trong gia đình.
48/ Người chồng nào cũng cần sự trợ giúp của nguời vợ. Nhưng lắm khi sự trợ giúp ấy không đáp lại được những chờ đợi của người chồng. Đôi khi sự săn sóc chiều chuộng thái quá của người vợ lại làm tổn thương tự ái của người chồng là khác. Cái khuynh hướng độc lập nơi người đàn ông thường khiến họ tìm mọi cách để thoát khỏi sự kiềm tỏa trong gia đình, nhất là của người vợ.
49/ Những người vợ trẻ nên lưu ý rằng sự hỏi han ân cần của họ làm cho ngưòi chồng cảm thấy thoải mái, nhất là khi gặp những căng thẳng ngoài xã hội. Nhưng khi sự ân cần hỏi han ấy đã biến thành một thứ hạch sách, điều tra thì dĩ nhiên người chồng sẽ cảm thấy bị tổn thươngvà mặc cảm. Từ đó họ sẽ dễ đi đến chỗ khép kín đối với người vợ.
50/ Cái duyên của người đàn bà chính là sự dịu dàng kín đáo. Bao lâu người vợ vẫn còn giữ được nét dịu dàng kín đáo ấy, họ vẫn còn thu hút và giữ được người chồng.
51/ Lòng tốt nơi người đàn ông thường được thể hiện một cách kín đáo, nhưng cương quyết và bền vững. Một người sẵn sàng hy sinh tất cả để lo cho sinh kế của gia đình. Một người cha sẵn sàng đánh đổi tất cả để cho con cái được nên người. Hình ảnh một người đàn ông đầu tắt mặt tối ngoài đồng áng, tại công xưởng, hoặc chạy đôn chạy đáo giữa phố chợ, hẳn đó chỉ có thể là biểu lộ của lòng tốt mà thôi.
52/ Lòng tốt của người đàn ông khiến họ chú tâm vào công việc đến độ hờ hững, lạnh lùng trong cách biểu lộ tình cảm. Họ có thể quên không nói một lời cám ơn. Họ có thể vô tư đến độ không biết nói với vợ một lời khen tặng. Họ cũng có thể không quan tâm đến những kỷ niệm đáng nhớ, những dịp đáng mừng trong gia đình. Nhưng không vì thế mà người vợ sẽ suy diễn rằng chồng mình không còn yêu thương mình nữa. Đó có thể là một thiếu sót, một vụng về nơi người chồng. Nhưng đó không hẳn là dấu hiệu của sự nguội lạnh hay sự thiếu tình yêu nơi người chồng.
53/ Càng gần gũi thân mật, người ta càng dễ coi thường nhau. Điều này càng đúng hơn trong đời sống vợ chồng. Sự gần gũi thân mật giúp cho hai người hiểu nhau hơn, nhưng đồng thời cũng có thể đưa họ đến chỗ chỉ còn thấy những khuyết điểm của nhau.
54/ Người ta chỉ có thể cứu vãn được đời sống vợ chồng khi biết tỏ ra khoan dung và thông cảm. Thông cảm ở đây không chỉ có nghĩa là chấp nhận và tha thứ cho những khuyết điểm của người phối ngẫu, mà còn biết nhìn vào những khuyết điểm ấy cách lạc quan hơn. Nghĩa là coi những khuyết điểm ấy như một cách biểu lộ của những đức tính tốt.
55/ Muốn được hạnh phúc và được Chúa chúc lành thì đừng bao giờ là người đầu tiên tạo ra cuộc cãi vã trong gia đình.
56/ Người vợ sẽ làm cho người chồng ngỡ ngàng về tính nhẹ dạ, nông nổi cùng những ước muốn trẻ con của họ. Nhưng rồi sẽ đến lúc người đàn ông phải cảm phục sự sáng suốt, óc thực tế bén nhạy nơi người đàn bà. Nhất là sẽ có những lúc người đàn bà tỏ ra quảng đại và can đảm gấp trăm nghìn lần người đàn ông.
57/ Đứng trước một biến cố bất thường hoặc đau thương của gia đình, đôi khi óc lý luận và ngay cả sự tỉnh táo của người đàn ông cũng không giúp giải quyết được gì. Cuối cùng thì phải cần đến sức mạnh của đàn bà. Đó là sức mạnh của sự chịu đựng, lòng vị tha mà Thiên Chúa đã phú bẩm cho người đàn bà. Sức mạnh ấy kiến hiệu và vượt xa những tính toán của người đàn ông.
58/ Mẹ thiên nhiên xem ra ưu đãi người đàn bà hơn người đàn ông. Người đàn bà yếu đuối và dễ bị thương tích hơn người đàn ông, nhưng sức chịu đựng của người đàn bà trổi vượt hơn người đàn ông. Người đàn bà dễ bị xúc động hơn người đàn ông, nhưng lại đứng vững trước thử thách hơn đàn ông. Người đàn bà có nhiều bệnh tật hơn đàn ông, nhưng lại sống dai hơn đàn ông. Người đàn bà chịu đựng cảnh góa bụa dễ dàng hơn đàn ông.
59/  Khi nét hấp dẫn nơi người đàn bà phai mờ với thời gian thì mối tình đã một thời bốc cháy nơi người đàn ông cũng dễ dàng tàn lụi. Người đàn bà thì khác hẳn. Tình yêu của họ là một lò lửa luôn bùng cháy. Dù cho thân xác có hao mòn, trái tim của người đàn bà vẫn luôn tươi trẻ. Người đàn bà cho mà không tính toán. Sự hiến thân không giới hạn ấy là một trong những nền tảng vững chắc cho gia đình.
60/ Người chồng phải luôn tâm niệm rằng người vợ là quà tặng cao quý nhất mà Thiên Chúa đã ban cho mình. Một món quà cao quý, nhưng thường được gói ghém trong một bọc giấy của không biết bao nhiêu những điều bất thường mà người đàn ông không thể hiểu được chỉ bằng sự phân tích và lý luận của mình.
61/ Người chồng luôn nhớ rằng người vợ làm tất cả chỉ vì yêu thương. Có những vụng về, có những bất thường, có những nông nổi trong cách thể hiện tình yêu của người đàn bà. Nhưng đó chính là những nét phụ thuộc của tâm hồn người đàn bà.
62/ Người đàn bà là nơi nương tựa cho người đàn ông đúng nghĩa nhất. Chúng ta hãy tưởng tượng cái cảnh đàn ông trở về nhà sau một ngày lao nhọc vất vả. Một căn nhà tươm tất, những đứa con được chăm sóc kỹ lưỡng đã đành. Nhưng sự quan trọng hơn cả phải là sự hiện diện của người vợ. Người đàn ông nào cũng cảm thấy cần được sự bao bọc đỡ nâng của vợ mình… Bởi vậy làm một người mẹ tốt và một người nội trợ tốt chưa đủ để là người vợ tốt. Làm mẹ nhưng vẫn tiếp tục làm vợ, đó chính là bí quyết của hạnh phúc hôn nhân.
63/ Điều làm cho người đàn ông chán nản nhất là họ không tìm được một người vợ biết lắng nghe.
64/ Một tác giả chuyên về tâm lý học đã nêu lên một số khuyết điểm mà một số phụ nữ thường có như sau: Trước hết họ hay ngắt lời chồng mình . Khuyết điểm thứ hai là không chú tâm đến câu chuyện của chồng mình. Dĩ nhiên ngày nay câu châm ngôn “Phu xướng phụ tùy” không còn là luật tối thượng của đời sống gia đình nữa. Sự đối thoại mới là cơ bản của đời sống hôn nhân. Nhưng để có sự đối thoại, cần phải biết lắng nghe. Một khuyết điểm khác nữa là sự thiếu cẩn mật. Tự bản chất, người đàn bà nào cũng thích tâm sự. Nhưng không phải tất cả mọi bí mật đều có thể đem ra chia sẻ.
65/ Một tác giả đã gợi lên cho người vợ bản xét mình sau đây:
- Tôi có quan tâm đến công việc của chồng tôi không ?
- Tôi có biết không tiếc lời để luôn khen tặng và khuyến khích chồng tôi, nhất là trong những năm đầu của đời sống hôn nhân không ?
- Khi được chồng ngỏ ý đưa đi dự tiệc, tôi có nghĩ rằng tôi chỉ làm đẹp vì chồng và được hạnh phúc khi ngồi bên chồng không ?
- Tôi có biết hỏi ý kiến chồng mỗi khi mua sắm quần áo không ?
- Tôi có biết chia sẻ với chồng một vài thứ tiêu khiển, như đọc sách, xem chiếu bóng không ?
- Tôi có còn là người bạn tốt của chồng tôi không ?
66/ Một người mẹ tốt, một người nội trợ tốt, một người dâu hiền tất cả chưa đủ để là một người vợ tốt. Một người vợ tốt, cốt yếu phải là một sự trợ giúp, một nơi nương tựa thiết thực cho chồng.
67/ Nhiều người chồng vẫn còn cho mình là kẻ có quyền sai khiến vợ, dậy bảo vợ, và nhất là đánh đập vợ. Đàng sau cung cách cư xử ấy là quan điểm cho rằng người vợ không bao giờ là người ngang hàng, đồng hành và bình đẳng với chồng. Một quan niệm như thế khó có thể mang lại hạnh phúc cho vợ chồng. Bởi vì hạnh phúc đó chỉ có thể được xây dựng trên bình đẳng, tôn trọng, đối thoại, cảm thông mà thôi.
68/ Khuyên họ hãy xem vợ thực sự như một người bình đẳng, một người bạn đường. Cái nhìn ấy sẽ giúp họ khoan dung hơn đối với những thiếu sót của vợ, và biết nhận ra những đức tính cao đẹp của vợ. Nhờ đó bản thân họ cũng được kiện toàn hơn.
69/ Có nhiều người đàn ông cư xử như thể là ông chủ trong gia đình. Họ gánh vác tất cả trách nhiệm của gia đình. Còn người vợ, dù có đầu tắt mặt tối với bao nhiêu việc nội trợ, cũng chỉ là một kẻ trợ giúp mà thôi. Họ cho mình có quyền đòi hỏi nơi vợ trăm nghìn thứ dịch vụ khác nhau. Cái cảnh quen thuộc hay xảy ra và nhiều người cho là bình thường, đó là cái cảnh người chồng vừa đi làm về, ngồi chễm chệ trên ghế bành và chờ đợi vợ con đến hầu hạ.
70/ Dĩ nhiên, người cha và người chồng được hưởng sự âu yếm, săn sóc của vợ con. Đó cũng là hạnh phúc của vợ con khi được biểu lộ tình yêu đối với chồng, với cha. Tuy nhiên, khi đón nhận sự săn sóc và phục vụ ấy, người đàn ông đừng nghĩ rằng đó là quyền của mình. Nhất là họ đừng nghĩ rằng công việc nội trợ trong nhà của vợ chỉ là việc phụ. Một người chồng có ý thức và công bình sẽ nhận ra rằng công việc của mình ngoài gia đình và công việc của vợ con trong gia đình đều có giá trị ngang nhau. Cả hai đều cần thiết để xây dựng và bảo trì hạnh phúc lứa đôi và gia đình. Biết nhận ra sự phân chia trách nhiệm như thế tức là đã nhận ra sự bình đẳng giữa vợ chồng. Sự bình đẳng đòi hỏi cả hai phải biết quan tâm phục vụ nhau.
71/ Một trong những phương pháp hữu hiệu để chống lại sự nhàm chán, độc điệu trong đời sống gia đình là hãy có chung với nhau một vài sở thích. Điều đó cũng có nghĩa là người chồng cũng phải quan tâm đến những sở thích của vợ mình. Người vợ nào lại không cảm thấy hạnh phúc khi được người chồng góp ý trong cách ăn mặc và trang điểm. Người vợ nào không cảm thấy sung sướng khi được chồng khen ngợi vì nghệ thuật nấu nướng của mình.
72/ Để giúp cho vợ khỏi trở thành một người bạn nhàm chán, người chồng cần phải tỏ ra quan tâm đến vợ mình. Và dĩ nhiên, một người chồng biết quan tâm đến vợ cũng sẽ là một người bạn đường khéo léo và hấp dẫn nhất đối với vợ”
73/ Giúp vợ nấu nướng, giặt giũ, quét dọn, hay cùng làm với vợ bất cứ việc nhỏ nào trong nhà, đó là muôn nghìn cách thế người chồng tỏ ra quan tâm đến vợ, và nhất là tôn trọng vợ.
77/ Sự nâng đỡ và cảm thông là điều mà người chồng cần nhất trong cuộc sống. Cần phải luôn nâng đỡ và cảm thông với chồng. Đó là qui luật cơ bản trong đời sống vợ chồng, mà một lần nữa chúng tôi xin được nhắn gửi đến những người vợ trẻ. (gương vợ nhà bác học Louis Pasteur). Đức tính chủ yếu và cần thiết cho hạnh phúc lứa đôi là sự cảm thông và chịu đựng của người vợ.
75/ Sự đơn điệu và nhàm chán trong công việc là điều thường xảy ra với người vợ trong gia đình. Nếu người vợ không đặt vào công việc nội trợ tất cả yêu thích và tình thương cộng với tinh thần hy sinh thì quả thực họ phải vác một gánh nặng khủng khiếp suốt đời. Tình yêu và sự hy sinh là liều thuốc giúp cho người vợ thắng vượt được sự nhàm chán và tìm thấy ý nghĩa của công việc hàng ngày của mình. Tình yêu và sự hy sinh cũng sẽ giúp cho người vợ thấy được sự cảm thông mà họ cần phải có đối với chồng mình.
76/ Một người chồng có trách nhiệm thật sự đối với đời sống gia đình sẽ không để cho người vợ đầu tắt mặt tối với công việc trong nhà mà không hề lay một ngón tay để giúp đỡ. Khi giữa hai người đã có tâm đồng ý hợp và yêu thương thật sự, thì công việc trong nhà dù nhỏ nhặt và vô danh nhất sẽ không còn là việc riêng của vợ mà phải là công việc chung của hai người.
77/ Tuy nhiên, người vợ cần phải luôn nhớ rằng thiên chức của họ chính là kiên nhẫn chịu đựng trước những phiền toái và khó khăn của cuộc sống. Có khi họ phải đơn phương gánh chịu một mình. Họ chịu đựng những phiền toái và thử thách ấy vì biết rằng người chồng của họ cũng có những khó khăn riêng của ông ta.
78/ Sau một ngày làm việc phải nhã nhặn và chịu đựng với đủ mọi hạng người, đôi khi người đàn ông phải trở về nhà trong tâm trạng bị dồn nén. Còn cực hình nào lớn hơn đối với người đàn ông khi phải tiếp tục dồn nén bằng cách phải lắng nghe những lời than phiền của vợ, hay phải tiếp tục tỏ ra lịch sự và phải chịu đựng những đay nghiến của vợ.
79/ Dĩ nhiên, người vợ có trăm ngàn khó khăn của mình, người vợ chỉ mong gặp lại chồng để trút tất cả nỗi niềm của mình, từ chuyện con cái đến chuyện bếp núc, sang chuyện những người hàng xóm, từ chuyện con gà, con heo đến chuyện vườn tược. Người đàn bà nội trợ có cả một thế giới riêng của mình. Suốt ngày loay hoay trong cái thế giới ấy, người đàn bà không mong gì hơn là gặp lại chồng để được giải tỏa. Môt người chồng yêu thương vợ sẽ lắng nghe và đi vào thế giới ấy một cách dễ dàng. Tuy nhiên, người vợ cũng cần nhớ rằng người chồng cũng có thế giới và những vấn đề riêng của ông ta. Lắm lúc người chồng không mong gì hơn là yên lặng, cái yên lặng đầy cảm thông và yêu thương của vợ con. Chỉ có người đàn bà do sự cảm thông của mình mới có thể an ủi được chồng.
80/ Mái ấm gia đình là công trình chung của vợ chồng, con cái, nhưng vai trò chủ yếu vẫn là người vợ. Sự trật tự tươm tất trong nhà trước hết thuộc trách nhiệm của người vợ. Chăm sóc con cái và quan hệ tốt với người chung quanh, từ trong nhà ra ngoài ngõ, xem ra vai trò của người đàn bà là chủ yếu. Chỉ có lòng yêu thương và quảng đại của người đàn bà mới có thể giúp cho họ hoàn thành vai trò ấy.
81/ Một tạp chí về gia đình xuất bản ở Hoa Kỳ có kê khai một số cử chỉ của người vợ khiến cho người chồng dễ cảm thấy phiền lòng và do đó trở nên cau có:
1. chờ đợi hay bắt người chồng ca tụng mình. Có đến 70% những người chồng không biết ca tụng vợ. Nhưng người vợ nên nhớ rằng sự thinh lặng của người chồng cũng là một cách biểu đồng tình.
 2. Khi người chồng than phiền về cha mẹ hay một người thân nào trong gia đình, người vợ không nên đổ dầu vào lửa bằng sự biểu đồng tình hoặc những thêm thắt bịa đặt.
 3. Người vợ đừng bao giờ làm nhục hay nói ngược lại chồng giữa đám đông. Cho dầu đó là một sự sai trái của chồng.
 4. Đừng bao giờ cằn nhằn khi người chồng quên hay không làm được một việc mình nhờ vả. Ngay cả khi người chồng khước từ một đề nghị giải trí, người vợ cũng đừng vì thế mà hờn dỗi
82/ chỉ có tình yêu khi có sự khác biệt và bổ túc cho nhau (Truy?n sng t?o Adong Eva). Người đàn ông giống như một tác phẩm chưa được hoàn thành hay như một người đã đánh mất chính mình. Do đó, họ phải không ngừng đi tìm kiếm những gì mình đã đánh mất. Chỉ nơi người đàn bà, người đàn ông xem ra mới có thể tìm lại bản thân. Các khác biệt nơi đàn bà bổ túc cho điều thiếu sót nơi người đàn ông… hạnh phúc hôn nhân chỉ có khi có sự hài hòa giữa những khác biệt ấy.
83/ Yêu thương đích thực không có nghĩa là xóa bỏ những khác biệt của nhau, bắt người khác phải làm theo ý của mình. Nhưng chính là biết tiếp nhận những khác biệt của người mình yêu thương như những giá trị bổ túc cho những thiếu sót nơi mình. Đó là điều mà một lần nữa chúng tôi xin được nói với những người chồng trẻ.
84/ Đa số các bà vợ than phiền rằng họ phải chịu đựng tính ích kỷ, sự thiếu quảng đại, thái độ hồ đồ và thiếu cảm thông của người chồng. Nói chung rất nhiều người vợ cảm thấy chưa nhận được đầy đủ sự chú ý của chồng mình. Có những người đàn ông mắc phải những chứng bịnh tâm lý, chỉ làm đủ mọi cách để hành hạ vợ mình. Nhưng cũng có những người đàn ông vụng về và thiếu hiểu biết đến độ hành hạ vợ mình mà không hay. Đó là hạng người không muốn cảm thông với vợ mình.
85/ Có những người đàn ông sẵn sàng hy sinh cho vợ, sống chết cho vợ, nhưng lại không bao giờ chịu nhượng bộ mỗi khi trao đổi hoặc tranh luận với vợ. Những người đàn ông này quên rằng: quan hệ của người đàn bà với người đàn ông hầu như luôn luôn xây dựng trên cảm tính. Người đàn bà đến với người đàn ông hầu như không phải để thông tin một hiểu biết hay để đi tìm một chân lý khách quan, mà trước hết là để thiết lập một tương quan. Người ta vẫn nói người đàn bà không lý luận bằng lý trí mà bằng trái tim… Do đó tính cách thuyết phục người đàn bà bằng sự lý luận không những vô ích mà còn nguy hại là khác. Điều này luôn luôn đúng trong quan hệ giữa hai vợ chồng. Những cuộc tranh cãi giữa hai vợ chồng thường không giải quyết được bất cứ một vấn đề nào.
86/ Người chồng không thể trả đũa một hành động xấu của vợ bằng một hành động xấu của mình. Người chồng cũng không thể đem những lý lẽ của mình ra để bắt bẻ người vợ. Người chồng càng cố gắng chứng tỏ sự có lý của mình, thì càng đẩy người vợ vào thế tự vệ và đối kháng. Chỉ có sự thông cảm mới là khí giới hữu hiệu nhất của người đàn ông.
87/ Socrates không may có một người vợ tính tình nông nổi bốc đồng. Một hôm giữa lúc ông đang giảng dạy cho các môn sinh thì bà vợ đến làm nhục ông trước mặt mọi người. Nhưng nhà hiền triết vẫn điềm nhiên như không có gì xảy ra. Ông mỉm cười nói với các môn sinh: “Sau cơn mưa trời lại sáng ”. Đó là cách cư xử của một nhà hiền triết, một đấng trượng phu. Nhưng đó cũng phải là khuôn vàng thước ngọc của mọi người chồng.
88/ Người đàn ông có thể là chủ trong các liên hệ với bên ngoài, nhưng trong gia đình người đàn bà là người điều khiển đời sống tình cảm của người đàn ông. Như thể giữa hai người luôn có sự bình đẳng và bổ túc cho nhau. Nếu người vợ đi ngược lại với ý kiến của người chồng, thì người chồng nên nhớ rằng: thường thường người vợ chỉ làm điều đó vì lợi ích của gia đình.
89/ Biết mình thật sự là biết rõ những khuyết điểm của mình. Nếu người vợ chợt nhìn ra những lời than phiền của chồng về mình thì có lẽ họ nên bình tĩnh để tự vấn lương tâm và tìm ra những khuyết điểm của mình.
90/ bất cứ một người đàn bà bình thường nào cũng có thể mắc phải tật như sau:
1. Chểnh mảng trong việc trang sức. Đa số nghĩ rằng đã có chồng, nghĩa là đã chinh phục được đàn ông, thì còn động lực nào để làm đẹp nữa.
 2. ghen tương.
3. mặc cảm bị bách hại. Nhiều người vợ xem mình như là nạn nhân của không biết bao nhiêu đàn áp và hà hiếp của chồng.
4. Nhiều người vợ dành mọi săn sóc và âu yếm cho con cái mà quên những bổn phận đối với chồng.
 5. Chính sách bế quan tỏa cảng, nghĩa là người vợ tìm cách cắt đứt mọi quan hệ mà người chồng đã có riêng trước khi cưới.
 6. Tính ngăn nắp và sạch sẽ quá đáng
 7. Cắt đứt mọi quan hệ họ hàng, ngay cả với chính gia đình thân thuộc của mình.
 8. Nhai lại những lỗi lầm của quá khứ. Nhiều người đàn bà thường moi lại những lầm lỗi trong quá khứ của chồng để hù dọa và bắt chẹt chồng.
9. Cằn nhằn về những phiền toái xảy ra trong ngày, nhất là trong bàn ăn.
10. Khuynh hướng muốn đảo lại câu châm ngôn: “Những gì ngươi không muốn người khác làm cho ngươi, thì ngươi cũng đừng làm cho họ”. Họ không muốn ai làm phiền mình nhưng lại sẵn sàng làm phiền người khác mà không hề ai biết.
91/ Để biết chồng mình có than phiền hay không, tác giả của cuốn sách nổi tiếng ‘Đắc Nhân Tâm’ đã khuyên các bà vợ hãy tự vấn lương tâm theo bản xét mình sau đây:
1. Tôi có cố gắng hết sức để làm vừa lòng chồng lúc chồng tôi có mặt ở nhà không ?
 2. Tôi có cố gắng thay đổi món ăn đến độ chồng tôi sẽ không thể đoán trước được không?
 3. Tôi có cố gắng theo dõi để hiểu biết công việc của chồng, hầu có thể thảo luận và nếu cần đưa ra một vài lời khuyên hữu ích và đúng lúc không ?
 4. Tôi có đủ can đảm và bình tĩnh để không trách móc chồng vì những thiếu hụt kinh tế trong gia đình, và nhất là không so sánh chồng với những người đàn ông khác may mắn và giầu có hơn không ?
5. Khi có dịp sắm sửa quần áo hoặc chọn quần áo để mặc, tôi có nghĩ đến sở thích của chồng tôi về thời trang và màu sắc không ?
6. Tôi có cố gắng tìm hiểu và học hỏi sở thích của chồng tôi để có thể chia sẻ với chồng trong những giờ nhàn rỗi không ?
7. Tôi có theo dõi những vấn đề chính trị, sách báo mới những trào lưu mới để có thể chia sẻ đời sống trí thức của chồng không ?
92/ chìa khoá mà một người vợ phải nắm vững đó là luôn sống vui tươi, linh hoạt và có đời sống tinh thần sâu sắc. Biết lắng nghe một cách nghiêm chỉnh và thích thú khi chồng nói đến những vấn đề chính trị, triết học hay bất cứ những gì mà chồng cho là quan trọng và lý thú.
93/ Ít nhất mỗi tuần một lần dành trọn thời giờ cho chồng, để cho chồng thấy rằng: chồng là nơi nương tựa cần thiết của vợ. Quên đi những phiền toái hàng ngày để luôn tạo ra cho chồng bầu khí vui tươi, lành mạnh.
94/ Luôn đề cao chồng trước mặt con cái. Sống và hành động như thế nào để không có gì phải dấu diếm với chồng.
95/ thấy chồng được nhiều người đàn bà khác chú ý thì hãy hãnh diện hơn là tỏ dấu ghen tương. Người đàn ông hãnh diện vì một chút ghen tương của vợ, nhưng sẽ vô cùng đau khổ khi bị vợ làm mất mặt trước đám đông.
96/ Hãy tránh hạch hỏi chồng. Người chồng nào cũng luôn muốn được sống trong bầu khí tin tưởng. Trước và trong bữa ăn đừng bao giờ có lời cay chua với chồng… Đừng quá thường xuyên hỏi chồng có còn yêu mình nữa không. Đừng lặp đi lặp lại với chồng về những hy sinh của mình cho gia đình.
97/ Có lẽ không có ai lập gia đình mà lại nghĩ đến chuyện ly dị và có lẽ không ai bước vào đời sống hôn nhân mà không nghĩ đến hạnh phúc. Thế nhưng tại sao đổ vỡ lại xảy ra như cơm bữa trong các gia đình ? Câu trả lời duy nhất chỉ có thể là: Người ta không nắm vững được nghệ thuật làm vợ làm chồng. Người ta chưa biết yêu. Chính vì không nắm vững được nghệ thuật ấy vô tình người ta làm khổ nhau.
98/ Một tạp chí về đời sống gia đình đã nêu ra năm đức tính của một người chồng lý tưởng như sau:
1 - Sự dịu dàng : Có những người chồng hễ mở miệng ra là nói những lời cộc lốc thiếu tế nhị. Dĩ nhiên, sự dịu dàng không đồng nghĩa với yếu nhược. Người đàn bà yêu sự dịu dàng nơi người đàn ông, nhưng lại muốn rằng chồng họ phải là một con người cứng rắn.
2 - Lịch sự : những người thân cận nhất của chúng ta cũng phải là những con người cần được đối xử một cách lịch sự hơn ai hết. Điều này lại càng đúng với người vợ.
3 - Xã hội tính. Xã hội tính ở đây được hiểu như khả năng có thể ra khỏi chính mình để biết quan tâm đến người khác. Nhiều người đàn bà than phiền rằng: chồng mình là người không biết nói chuyện.
4 - Sự cảm thông. Đức tính cơ bản nhất mà một người vợ luôn chờ đợi ở chồng của mình đó là ý thức về sự bình đẳng đối với vợ.
5 - Biết tôn trọng vợ trong mọi sự và mọi trường hợp . Điều làm cho người đàn bà cảm thấy đau khổ nhất đó là khi cảm thấy bị người chồng đối xử như một phương tiện.
99/ Khi người vợ khám phá ra chồng mình che dấu sự thật, họ sẽ không còn cảm thấy an tâm nữa. Khi chồng nói dối, người vợ sẽ tự hỏi chồng mình làm gì ? Chồng mình đi đâu ? Chồng mình đi với ai ? Điều làm cho người vợ nghi ngờ và sợ hãi nhất là chồng mình có đi với một người đàn bà khác không ? Tình yêu vợ chồng chỉ có thể được xây dựng trên sự thành thực hỗ tương mà thôi.
100/ Tạp chí Red Book xuất bản tại Hoa-kỳ đã có lần báo động như sau: Sau năm năm thành hôn, một số rất lớn những người chồng Mỹ bắt đầu ngoại tình, và một số còn lớn hơn nữa bị cám dỗ muốn ngoại tình. Tạp chí này giải thích rằng: Thông thường người đàn ông ngoại tình không phải để tìm lạc thú mà để củng cố lòng tự tin.
101/ Một hôn nhân đổ vỡ là một cuộc sống trong đó người ta không tìm thấy được chính mình hoặc không thể tự khẳng định về mình. Đó là lý do khiến người chồng hoặc người vợ đi tìm sự khẳng định và niềm tự tin ở một nơi khác.
102/ Bí quyết để giữ chồng. Đó là biết giúp cho chồng trưởng thành hơn, nghĩa là giúp chồng tìm thấy được niềm tự tin trong đời sống vợ chồng.
1 - Một cách cụ thể người đàn ông không muốn được cư xử như là một đứa con. Không gì làm cho người đàn ông cảm thấy mệt mỏi cho bằng phải sống bên một người vợ lúc nào cũng canh cánh bên mình, để nhắc nhở cho mình mọi sự. Dĩ nhiên người đàn ông nào cũng thích sự săn sóc của vợ. Nhưng người vợ nên nhớ rằng: họ phải săn sóc chồng như một người vợ chứ không phải như một người mẹ.
2 - Một người đàn bà đầu tắt mặt tối lo cơm nước và mọi sự cho chồng chưa hẳn là một người vợ lý tưởng.  Công việc ấy một người giúp việc và một người mẹ có thể làm được. Sự chiều chuộng khiến cho người đàn ông cảm thấy chạm tự ái nhiều nhất, đó là sự chiều chuộng như của một người mẹ.
3 - Có biết bao nhiêu người than phiền rằng mình đã săn sóc lo lắng cho chồng không thiếu món gì, vậy mà chồng vẫn lạnh nhạt và đi tìm những người đàn bà khác. Người vợ nên nhớ rằng người chồng chờ đợi nơi vợ một cái gì khác hơn là sự săn sóc của một người mẹ.
103/ Chấp nhận con người của chồng, có nghĩa là chấp nhận cả những khuyết điểm, những đam mê, những sở thích của chồng. Lắm khi thảm cảnh gia đình xảy ra chỉ vì người ta không muốn chấp nhận những khuyết điểm của nhau…. Muốn sửa những khuyết điểm của người đàn ông, muốn uốn nắn một người đàn ông theo ý mình, muốn thay đổi những quan hệ và sở thích mà người đó đã có từ thuở nhỏ là một sai lầm lớn.
104/ Người đàn ông cần phải  tự xét mình về những khuyết điểm như sau:
1 - Tính ích kỷ, thay đổi bất thường, tự phụ và thiếu óc khôi hài. Những thiếu sót ấy người vợ khó mà tha thứ được. Không gì làm thất vọng cho bằng phải sống bên người đàn ông chỉ biết nghĩ đến mình. Không gì làm mất hứng cho bằng phải sống bên cạnh người đàn ông tính khí bất thường. Không gì tủi nhục cho bằng phải sống bên cạnh người đàn ông huênh hoang tự phụ. Và dĩ nhiên, không gì nhàm chán cho bằng sống bên cạnh người đàn ông không biết cười và cũng không biết làm cho người khác cười. Đó là những mối tội đầu trong đời sống vợ chồng.
2 - Những lời nói tục tằn và những cử chỉ thô bạo. Sự chểnh mảng trong cách ăn mặc… Lịch sự trong cách ăn mặc là đòi hỏi của tình yêu. Ăn mặc lịch sự là thể hiện sự tôn trọng đối với mọi người nhất là đối với người mình yêu.
3 - Thiếu tinh thần kỷ luật và trật tự trong gia đình. Vất bừa bãi các đồ vật trong nhà. Không đúng giờ khi có hẹn.
4 - Là một người khép kín, ít nói, nhất là đối với vợ. Sự dè dặt cẩn trọng quá đáng của người chồng dễ làm cho người vợ thiếu tự tin. Tính thiếu cởi mở của người chồng dễ gây ra sự nghi ngờ nơi người vợ và từ đó biến bầu khí gia đình trở nên nặng nề.
105/ Mỗi người phối ngẫu cần phải xác tín rằng: khuyết điểm của một người cũng là khuyết điểm chung mà họ phải chia sẻ với nhau và đức tính của một người cũng là kho tàng chung của hai người. Vì nhau mà phát huy những đức tính tốt, và vì nhau mà mỗi người chiến đấu chống lại những khuyết điểm của riêng mình. Người chồng luôn phải có cái nhìn như thế đối với những đúc tính và những khuyết điểm của vợ.
106/ Một văn sĩ Pháp đã viết về người đàn bà như sau: “Người ta bảo rằng đàn bà phức tạp. Không phải thế. Họ rất đơn giản và trong suốt. Đôi cánh của người đàn ông giương ra là có thể ôm trọn lấy họ, một nụ hôn của người đàn ông có thể đi sâu vào tâm hồn họ. Chính những người đàn ông là những người làm cho mọi việc nên phức tạp”… Điều mà người đàn ông bảo là phức tạp nơi người đàn bà, chẳng qua chỉ là sự bất lực của họ để hiểu được sự đơn giản nơi người đàn bà. Để hiểu được người đàn bà, có lẽ người đàn ông phải đặt mình vào địa vị của họ.
107/ Trước những khuyết điểm của chồng, thái độ thông thường của nhiều người là giận dữ, phản ứng này dễ đưa đến những cãi vã to tiếng và xúc phạm đến nhau. Có những người đàn bà khi khám phá ra những khuyết điểm của chồng, thì lại rơi vào thất vọng chán nản và giữ mãi trong lòng nỗi đắng cay chua xót. Thái độ này dĩ nhiên chỉ làm cho mối quan hệ giữa hai người ngày thêm tồi tệ mà thôi. Trước những khuyết điểm của chồng, thái độ tốt nhất chính là thích nghi với hoàn cảnh, thích nghi có nghĩa là hành động với tất cả kiên nhẫn dịu dàng và yêu thương.
108/ Một tác giả đã ví von rằng: “Người chồng là ly cà phê đen. Cà phê càng đen thì cần phải có nhiều đường”. Thật thế, sự bạo động của người vợ trong lời nói hay trong cách cư xử sẽ không bao giờ thuyết phục được chồng, mà trái lại, chỉ có tình yêu, sự dịu dàng, lòng kiên nhẫn mới có thể lay động được trái tim của họ.
109/ người vợ trẻ phải thích nghi với người mẹ chồng, bằng sự kiên nhẫn, tình yêu thương, sự dịu dàng mà họ vốn dành cho chồng. Họ không nên nhìn mẹ chồng như đối thủ, hoặc tệ hơn nữa, như kẻ thù, mà phải luôn thấy nơi bà người mẹ thân yêu của chồng mình… Một người vợ yêu chồng thật sự là người luôn biết chiều theo ý muốn của mẹ chồng, biết hỏi ý kiến bà, biết chấp nhận những nhận xét cũng như những chỉ bảo của bà. Một người vợ yêu chồng thật sự là người biết xem mẹ chồng như chính người mẹ ruột của mình, bằng cách luôn tìm hiểu và cảm thông với cách suy nghĩ, lý luận và hành động của bà.
110/ : “Người đàn ông sẽ trở thành kỳ diệu khi họ siết chặt ta trong vòng tay âu yếm của họ và làm cho ta cảm thấy nhỏ bé trong họ. Trái lại họ sẽ trở thành ngu xuẩn khi họ muốn ta phải nhỏ bé lại trước mắt họ”. (Vậy là rất dở khi người đàn ông thích thể hiện quyền lợi của mình (quyền làm chồng để cưỡng bách người vợ, quyền làm chủ để đơn phương quyết định mọi việc, quyền làm đàn ông để hành hạ người đàn bà)… Người chồng chỉ thể hiện được uy quyền của mình bằng tình yêu chứ không bằng vũ lực hay bất cứ sự cưỡng bức và đe dọa nào.
111/ Người đàn bà tự bản chất luôn cần có sự che chở của người đàn ông. Do đó, đức tính mà người đàn bà đánh giá cao nhất nơi người đàn ông, trước hết phải là sự can đảm. .. Sự can đảm nơi người đàn ông còn được thể hiện bằng chính sự chịu đựng, kiên nhẫn nữa. Sự cứng rắn của người đàn ông phải là một sự cứng rắn đầy yêu thương và dịu dàng. Sức mạnh nơi người đàn ông phải là sức mạnh của sự tế nhị. Nam tính của người đàn ông phải là nam tính của yêu thương và âu yếm.
112/ Trong những âu yếm, bận tâm và nói chung ngay cả trong tình yêu, tình nghĩa vợ chồng có thể bớt mặn nồng vì sự hiện diện của đứa con. Đó có thể là nguy cơ xảy ra cho một số gia đình trẻ. Vì thế, người vợ phải cư xử như thế nào để tình mẫu tử không làm hạ giảm tình yêu vợ chồng… Sứ mệnh người đàn bà không phải chỉ là sinh con mà còn phải làm cho quả tim của người đàn ông luôn được tươi mát. Người đàn ông bảo vệ người đàn bà. Nhưng chính người đàn bà mới là người nuôi dưỡng người đàn ông bằng tình yêu.
113/ Một người vợ yêu chồng, biết chiều chồng hẳn phải là người chẩn đoán được tâm hồn của chồng mình, và sẵn sàng tạo điều kiện để cho người chồng thỏa mãn khát vọng tự do của họ. (thí dụ họ đang muốn chơi thể thao).. người vợ không những không ngăn cản mà còn phải tạo diều kiện để cho mối quan hệ của chồng với bạn bè luôn được tốt đẹp.
114/ Sự gặp gỡ bạn bè hay nói chung những lần ra khỏi gia đình là những liều thuốc bổ cần thiết cho đời sống vợ chồng. Mối quan hệ với người chung quanh càng tốt đẹp thì tình yêu vợ chồng càng được củng cố. Niềm vui có thêm một người bạn mới, niềm vui được sống hài hòa với người chung quanh, phải chăng không làm gia tăng niềm vui sướng trong gia đình ?
115/ người ta dễ mỏi mệt, và mỏi mệt ngay cả đối với những người thân yêu của mình. Do đó, phải tránh làm cho đời sống vợ chồng trở thành độc điệu, nhàm chán. Tình yêu vợ chồng, hay đúng hơn sự diễn tả tình yêu cần phải được thay đổi và mới mẻ luôn… Sự độc điệu đã đem lại sự nhàm chán. Do đó các đôi vợ chồng phải tổ chức đời sống như thế nào để giữ cho tình yêu luôn được tươi mát. Thỉnh thoảng họ cần phải ra khỏi khung cảnh gia đình để được sống trọn vẹn cho nhau. Ngoài ra, tình bạn, những quan hệ với những người xung quanh cũng là những thức ăn cần thiết để giữ cho tình yêu vợ chồng được tươi mát và tránh được sự độc điệu nhàm chán.
116/ Một vẻ đẹp thể lý dù lộng lẫy kiêu sa đến đâu cũng sẽ trở thành vô duyên khi người đàn bà không có vẻ đẹp trong tâm hồn. Và dĩ nhiên vẻ đẹp của tâm hồn không nhất thiết phải là sự thông minh, cũng không hẳn là những duyên dáng điệu bộ, mà chính là tấm lòng quảng đại, yêu thương, tha thứ, phục vụ, quên mình của người đàn bà.
117/ Trang điểm, làm đẹp, giữ cho thân xác luôn được tươi tắn, đó là một trong những bí quyết quan trọng để giữ chồng, hay đúng hơn để bảo vệ hạnh phúc gia đình. Làm đẹp là một cách thế để nói lên tình yêu đối với chồng.
118/ ánh mắt tình tứ của người chồng bảo đảm rằng: người vợ được yêu thương , được bao bọc, được chở che. Ánh mắt ấy như nói với người vợ rằng: chồng luôn ở bên cạnh mình. Ánh mắt ấy như nói với người vợ rằng lúc nào chồng cũng tán thành những việc làm và luôn cảm thông những lầm lỡ thiếu sót của mình. Một người chồng luôn giữ được ánh mắt tình tứ  ấy là người biết nắm chắc hạnh phúc lứa đôi.
119/ Người đàn bà thích được khen tặng , không phải vì họ không biết giá trị khách quan của con người họ, hoặc những gì họ có, mà chỉ vì họ muốn được yêu thương, chiều chuộng. Người đàn bà đón nhận một lời khen tặng, trước hết như một biểu lộ của sự chú ý, của quan tâm, của tình yêu mà người khác dành cho họ… Do đó tất cả mọi quà tặng dù nhỏ bé và vô nghĩa đến đâu cũng đều có giá trị và được họ cất giữ ôm ấp một cách trân trọng. Người đàn bà sẽ đau khổ rất nhiều khi phải sống bên một người đàn ông không biết trao tặng, một người đàn ông không biết trao ban chính mình.
120/ Chấp nhận sự thật là chấp nhận những khuyết điễm lầm lỗi của người chồng. Một người đàn ông không có khuyết điểm là một người đàn ông ngu đần, hoặc chỉ là một kẻ giả dối. Có những khuyết điểm gắn liền với những tính tốt nơi người đàn ông, thiết tưởng người vợ nên chấp nhận mà thôi… Một rạn nứt nếu không sửa chữa kịp thời sẽ gây đổ vỡ lớn. Một chút thiếu sót của người chồng có thể là một rạn nứt trong tòa nhà hạnh phúc. Người vợ hãy thực tế để nhìn nhận sự rạn nứt ấy và tìm cách hàn gắn lại.
121/ Chính trong những điều kiện khó khăn về kinh tế, tài chánh , tâm lý mà người vợ phải thể hiện vai trò của mình. Trong những hoàn cảnh khó khăn như thế, người vợ cần phải tỏ ra là cột trụ của gia đình, là chỗ dựa của người chồng, là người đóng vai trò chủ yếu trong việc bảo vệ sự vững chắc của gia đình.
122/ Sau dy l một số điểm để giúp cho người vợ bảo vệ hạnh phúc gia đình như sau:
1 - Trước hết: Người vợ đừng bao giờ nghĩ rằng đã lập gia đình thì không cần chiều chuộng chồng nữa ….. người vợ cần phải không ngừng làm đẹp lòng chồng.
2 - Thứ hai: Người vợ phải luôn tạo ra một bầu khí ấm cúng trong gia đình . Một căn nhà trật tự sạch sẽ, một bữa ăn chuẩn bị chu đáo, đó là hơi ấm mà người vợ mang lại cho chồng sau một ngày lao động vất vả hay sau những giờ phút căng thẳng vì bổn phận.
3 - Thứ ba: Người vợ phải luôn biết khuyến khích và cổ võ chồng trong mọi công việc , dù công việc có tăm tối và khiêm tốn đến đâu. Ai cũng muốn được khen tặng. Trong lời khen tặng ấy, không ai có thể thành thật cho bằng người vợ.
4 - Thứ bốn: Người vợ nên nhớ rằng: người chồng không muốn bị kiểm soát trong vấn đề tiền bạc. Thái độ kiểm soát của người vợ sẽ dễ đặt người chồng vào chỗ dối trá và từ đó xem vợ như một đối thủ.
 5 - Thứ năm: Việc bếp núc là một trong những chìa khóa để bảo vệ hạnh phúc hôn nhân. Khi một người chồng không cảm thấy thoải mái hoặc được săn sóc trong gia đình, họ sẽ bị cám dỗ đi ra ngoài thường xuyên hơn.
6 - Cuối cùng, người vợ luôn nhớ rằng mình là người bạn đường của chồng . Một khi người chồng không còn cảm thấy được thoải mái để tâm sự với vợ nữa, họ sẽ đi tìm một người khác. Điều này cũng có nghĩa là người vợ phải không ngừng chú ý đến những khó khăn của người chồng. Chú ý không có nghĩa là theo dõi, kiểm soát, mà chính là luôn dành tất cả yêu thương cho chồng. Tựu trung, tình yêu là chìa khóa của hạnh phúc.
123/ Người ta thường nói đến những thử thách của đầu đời hôn nhân. Có khi những thử thách đó đến ngay sau khi đôi tân hôn vừa chấm dứt tuần trăng mật của họ… Cuộc sống hàng ngày với không biết bao nhiêu tranh đấu đang chờ đợi họ. Và giờ đây cả hai đều hiện lên nguyên hình nguyên dạng với đầy đủ ưu khuyết điểm của mỗi người… Đó là một giai đoạn cần thiết cho đời sống vợ chồng. Va chạm nào cũng đau đớn, nhưng va chạm nào cũng cần thiết để giúp cho con người hiểu nhau hơn.
124/ một cuộc hôn nhân không có những va chạm, gây gỗ, cãi cọ, chưa hẳn là một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc. Hầu hết các cặp vợ chồng thỉnh thoảng đều gây gỗ với nhau. Nhưng điều đó không nhất thiết có nghĩa là họ không có hạnh phúc.
125/ Gia đình nào cũng có thể gặp sóng gió. Nếu không biết xử lý khôn khéo người ta dễ gây hiểu lầm cho nhau. Nhưng không gì sai lầm bằng nghĩ rằng người ta có thể tránh được cơn khủng hoảng bằng cách lừa dối nhau. Khi sự lừa dối bị tiết lộ thì niềm tin giữa hai người sẽ ngã đổ.
127/ Những cơn khủng hoảng trong đời sống hôn nhân thường xảy đến trong 2 thời kỳ:
- Thời kỳ thứ nhất là những năm đầu của đời sống vợ chồng… nguyên do đưa đến cơn khủng hoảng đầu đời hôn nhân phần lớn là vì một hoặc hai người phối ngẫu thiếu chuẩn bị trước khi bước vào đời sống hôn nhân.
- Thời kỳ thứ hai là những năm tháng khi hai vợ chồng bước vào tuổi trung niên… Một người chồng khép kín, một người vợ mơ mộng, đó là nguyên nhân đưa đến cơn khủng hoảng trong thời kỳ thứ hai của đời sống hôn nhân.
128/ Để có thể nên một với người phối ngẫu, người ta cần phải ra khỏi chính mình. Hay nói như Chúa Giê-su: Quên mình, mất mạng sống mình, thí mạng sống mình vì người khác. Đó là biểu hiện của một nhân cách trưởng thành. Do đó, hôn nhân đòi hỏi hai người phối ngẫu phải không ngừng đi vào tiến trình của sự trưởng thành.
129/ Một người chồng cãi vã to tiếng với vợ và khước từ mọi sự giải thích của vợ để rồi giữ lại mọi đắng cay trong tâm hồn là một người chồng chưa trưởng thành. Một người vợ cãi vã với chồng và khước từ mọi lời giải thích của chồng cũng là một người chưa trưởng thành.
130/ một gia đình cầu nguyện là một gia đình đứng vững, và sự trưởng thành nhân cách thực sự chỉ được xây dựng trên sự trưởng thành trong niềm tin mà thôi.
131/ một cuộc hôn phối thành công không phải là một cuộc hôn phối không gặp sóng gió. Nghĩa là không có những căng thẳng và cãi vã giữa hai người. Nên một trong thể xác và tinh thần không có nghĩa là xóa bỏ những khác biệt giữa hai người. Mãi mãi người khác vẫn là người khác, có những nét cá biệt của họ. Mỗi người đều có những dịp sống riêng của mình… Nhưng không gì có thể ngăn cản không cho hai con người có thể chung sống hòa hợp với nhau. Trái lại những khác biệt ấy sẽ giúp cho hai người được phong phú hơn.
132/ Khi hai người chịu đựng nhau thì người này sẽ trở thành gánh nặng cho người kia. Lúc đầu chỉ có sự mệt mỏi, về lâu về dài sự chán chường sẽ xảy đến. Thay vì chịu đựng nhau hãy chấp nhận và tha thứ cho nhau… Chấp nhận và tha thứ cho những bất toàn của nhau trong đời sống vợ chồng cũng có nghĩa là luôn đối xử với nhau bằng tất cả sự tế nhị.
133/ có một chút khôi hài trong cuộc sống, cũng là một trong những bí quyết để bảo toàn sự quân bình và hòa khí trong gia đình.
 Mũi em mười tám gánh lông,
Chồng yêu chồng bảo Trâu đồng Trời cho.
Đêm nằm thì ngáy o o,
Chồng yêu chồng bảo ngáy cho vui nhà.
Đi chợ thì hay ăn quà,
Chồng yêu chồng bảo về nhà đỡ cơm.
Trên đầu những rác cùng rơm,
Chồng yêu chồng bảo hoa thơm rắc đầu.
134/ bình đẳng không có nghĩa là tự lực tự túc, mà chính là sự bổ túc cần thiết cho nhau. .. Không ai sinh ra là một con người hoàn hảo, có thể trưởng thành và tự đủ cho mình mà không cần có sự trợ giúp của người khác. .. Do đó điều cần thiết và quan trọng nhất mà hai người phối ngẫu phải nhận thức và tôn trọng đó là sự khác biệt và bổ túc cho nhau giữa hai người… Cả hai người trao đổi cho nhau những gì mình có. Cả hai tăng cường cho nhau những gì mình có ít để từ đó giúp nhau được nên người hơn.
135/ Hai vợ chồng phải biết giúp đỡ và bổ túc cho nhau. Mỗi người cố gắng phát triển những đức tính mà thiên nhiên đã phú bẩm để giúp họ chu toàn phận vụ của mình trong đời sống hôn nhân… Người chồng phải trau dồi và phát triển những đức tính cần thiết, đó là khách quan trong phán đoán, cứng rắn trong quyết định, kiên trì trong các dự tính, bền chí trong việc làm, và biết nhìn xa… Những đức tính cần thiết cho một người vợ phải là nhạy cảm để thấy được nhu cầu, chú ý và quan tâm đến những nét đặc thù của con người, cảm thông với những khổ đau của người khác, tế nhị trong cách đối xử, lắng nghe và nhất là không lãng quên.
136/ Sự ghen tương có thể xảy đến với đôi vợ chồng trẻ ngay từ những ngày tháng đầu đời hôn nhân. Trong thời kỳ quen biết và đính hôn hai người có thể chưa bộc lộ hết những thầm kín cũng như con người thực của họ. Nhưng cuộc sống chung sẽ tạo ra những va chạm không thể tránh được, và do đó sự ghen tương cũng giống như bao khuyết điểm khác sẽ trồi lên một cách dễ dàng. Đó là điều xem ra không thể tránh được.
137/ Bất cứ ai yêu một người khác phái và yêu một cách lành mạnh cũng đều cảm thấy ghen tương khi người đó biểu lộ một sự quan tâm không hợp lý với một người thứ ba. Thiếu sự ghen tương trong những hoàn cảnh như thế cũng đồng nghĩa với thiếu yêu thương… Một chút ghen tương là con đường dẫn đến cảm thông, trưởng thành tâm lý và phát triển nhân cách. Tuy nhiên khi đã trở thành thái quá, ghen tương sẽ là nọc độc giết hại tình yêu vợ chồng.
138/ Trước khi trở thành thủ phạm hành hạ người phối ngẫu của mình, người ghen tương đã là nạn nhân của chính mình. Chứng đau tim thường gắn liền với sự ghen tương. Tình yêu đích thực luôn mang tính cách loại trừ nghĩa là khi yêu nhau người ta muốn thuộc trọn về nhau. Tuy nhiên, thuộc trọn về nhau không có nghĩa là chiếm hữu lẫn nhau, là xem nhau như vật sở hữu. Một tình yêu đích thực luôn được xây dựng trên sự tôn trọng và tin tưởng nhau, tôn trọng nhau thật sự nghĩa là không xem nhau như vật sở hữu để có thể độc quyền chiếm đoạt… Người ghen tương tựu trung là người chưa biết yêu. Một tình yêu đích thực luôn luôn được xây dựng trên sự tôn trọng.
139/ Một trong những phương pháp tốt nhất để đề phòng và chữa trị tính ghen tương là điều chỉnh lại quan niệm về tình yêu. Đôi vợ chồng trẻ phải không ngừng tự vấn lương tâm: tôi đã thực sự biết yêu chưa ? Tình yêu của tôi đang còn trong giai đoạn chiếm hữu hay đã trở thành dâng hiến ? Tôi có ý thức rằng một tình yêu đích thực chỉ được xây dựng trên sự tôn trọng nhau không ?.. Không gì hữu hiệu để giúp đôi vợ chồng thắng vượt tính ghen tương cho bằng lòng chung thuỷ với nhau.
140/ hai động cơ căn bản làm cho con người khước từ sự phát triển nhân cách của mình: (không muốn sống trưởng thành)
1. Trước hết là thái độ không muốn dấn thân: Làm thì có làm nhưng không thiết tha và nhiệt tình tham dự vào công việc.
2. Thái độ thứ hai tỏ ra con người không muốn sống trưởng thành, đó là thái độ mà bác sĩ Andrew Angian gọi là đứng núi này trông núi nọ, chối bỏ hoàn toàn bản thân mình để thay thế vào bằng một con người tưởng tượng.
Nói tóm lại, không dấn thân hết mình vào đời sống vợ chồng, không chấp nhận thực tại của mình cũng như của người phối ngẫu, đó là cơn cám dỗ mà các đôi vợ chồng trẻ hay gặp phải trong cơn khủng hoảng đầu đời hôn nhân.
141/ Người ta thường lý luận rằng: nếu cá tính không hợp với nhau thì nên xa nhau hơn là cứ sống bên nhau để mà làm khổ nhau. Đó là giải qyết vấn đề một cách thiếu trách nhiệm. Giải quyết như thế chẳng khác nào bảo rằng khi gặp khó khăn trong công việc thì tốt nhất là bỏ cuộc. Thực ra trong đời sống vợ chồng không có vấn đề hai cá tính không hạp nhau, mà chỉ có mỗi vấn đề là người ta có muốn hòa hợp với nhau hay không mà thôi. Đã thương nhau, đã chấp nhận chung sống với nhau thì không thể nói đến chuyện khác nhau về cá tính. Vấn đề chính của mỗi người là có sẵn sàng điều chỉnh, thích nghi và nhất là cảm thông chăng ?
(trích sách của Hùynh San)

«
Next
Bài đăng Mới hơn
»
Previous
Bài đăng Cũ hơn