sponsor

sponsor

Slider

Recent Tube

Business

Thông Tin Giáo Xứ Quỹ Đê

Life & style

Games

Sports

Fashion

Ðức Thánh Cha chủ lễ cầu hồn cho 151 Hồng Y và Giám Mục.

Ðức Thánh Cha chủ lễ cầu hồn cho 151 Hồng Y và Giám Mục.
Vatican (Rei 3-11-2017) - Sáng ngày 3 tháng 11 năm 2017, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ tại Ðền thờ Thánh Phêrô để cầu nguyện cho 15 Hồng Y và 137 Giám Mục qua đời trong 12 tháng qua, trong đó có 3 Giám Mục Việt Nam.
Ba Giám Mục Việt Nam là Ðức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, nguyên Giám Mục Nha Trang qua đời ngày 2 tháng 2 năm 2017, Ðức Cha Giuse Vũ Duy Thống, Giám Mục Phan Thiết qua đời ngày 1 tháng 3 năm 2017, và Ðức Cha Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Sang, nguyên Giám Mục Thái Bình, qua đời ngày 5 tháng 10 năm 2017. Ngoài ra có 7 Giám Mục ở Hoa Lục.
Ðồng tế với Ðức Thánh Cha có 40 Hồng Y và 30 Giám Mục hiện diện ở Roma, với sự tham dự của hơn 1 ngàn tín hữu.
Trong bài giảng, dựa vào các bài đọc thánh lễ, Ðức Thánh Cha mời gọi mọi người hãy tin tưởng và hy vọng đứng trước cái chết, tín thác vào lòng thương xót của Chúa.
Ngài nói:
"Niềm tin mà chúng ta tuyên xưng nơi sự phục sinh làm cho chúng ta trở thành những con người hy vọng và không tuyệt vọng, những người của sự sống chứ không phải của sự chết, vì chúng ta được an ủi nhờ lời hứa sự sống đời đời, có cội rễ nơi sự hiệp nhất với Chúa Kitô phục sinh".
"Niềm hy vọng ấy giúp chúng ta có thái độ tín thác đứng trước cái chết. Thực vậy, Chúa Giêsu đã chứng tỏ rằng sự chết không phải là lời nói cuối cùng, nhưng chính tình yêu thương xót của Chúa Cha biến đổi và làm cho chúng ta được sống tình hiệp thông vĩnh cửu với Chúa".
Ðức Thánh Cha cũng nhắc đến các Hồng Y và Giám Mục đã giã từ chúng ta sau khi phục vụ Giáo Hội và Dân Chúa đã được ủy thác cho các vị, trong viễn tượng vĩnh cửu. Ngài nói: "Trong khi chúng ta cảm tạ Chúa vì việc phục vụ quảng đại của các vị dành cho Tin Mừng và Giáo Hội, dường như chúng ta được nghe lập lại với Thánh Phaolô Tông Ðồ: "Niềm hy vọng không đánh lừa" (Rm 5,5). Thiên Chúa là Ðấng tín trung và niềm hy vọng của chúng ta nơi Chúa không phải là hư vô. Chúng ta hãy cầu xin Mẹ Maria chuyển cầu cho các vị, để họ cũng được tham dự bữa tiệc vĩnh cửu, họ đã nếm hưởng trước trong cuộc lữ hành trần thế này". (Rei 3-11-2017)

Chúa Nhật 31 Thường Niên A

Chúa Nhật 31 Thường Niên A
Tín hữu Chúa Kitô cần một tấm lòng
Ml 1,14-2,2b.8-10; 1Tx 2,7b-9.13; Mt 23,1-12
Chúng ta thường đánh giá một người theo dáng vẻ bên ngoài, dựa trên những gì họ có hơn là những gì họ là. Chúng ta hay kính trọng người đỗ đạt cao, có nhiều bằng cấp, làm ăn phát đạt và giàu có. Không chỉ đánh giá một người dựa trên những tiêu chuẩn bên ngoài này, nhiều khi chúng ta còn tập trung mọi nỗ lực để có được những thứ ấy và coi chúng như đích điểm của cuộc đời. Đây cũng chính là cách sống của nhiều tư tế trong thời Cựu Ước, cũng như cách sống của các kinh sư và biệt phái thời Chúa Giêsu. Đó là một cách sống đi ngược lại với đường lối của Thiên Chúa và giáo huấn của Tin Mừng. Phụng vụ lời Chúa hôm nay không những lên án cách sống ấy mà còn chỉ ra cho chúng ta đâu là lối sống phải có hầu xứng đáng với phúc lành của Thiên Chúa hôm nay và mai sau.
Quả thật, trước cách sống giả dối, sai lầm, tìm kiếm danh lợi bên ngoài của các tư tế trong thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã dùng lời ngôn sứ Malakhi để cảnh báo và lên án họ “Hỡi các tư tế, đây là lệnh truyền dành cho các ngươi: nếu các ngươi không nghe và không lưu tâm tôn vinh danh Ta, Ta sẽ khiến các ngươi mắc tai họa.” Lời cảnh báo và răn đe ấy cho ta hiểu rằng các tư tế thời đó đã đi trệch đường lối của Thiên Chúa. Thay vì họ phải chuyên tâm lắng nghe tiếng Chúa, chú ý vào việc tôn vinh Ngài thì họ lại lắng nghe chính mình và tìm cách tôn vinh mình. Thay vì họ phải tìm kiếm đường lối của Thiên Chúa và hướng dẫn dân chúng đi theo đường lối ấy thì lại tự vạch ra lối đi riêng cho mình và dẫn người khác ra khỏi đường lối của Thiên Chúa “Các ngươi đã đi trệch đường và làm cho nhiều ngươi lảo đảo trên đường Luật dạy. Các ngươi đã hủy hoại giao ước với Lêvi.” Nếu tiếp tục làm thế, thì số phận của họ thật bi thảm. Thay vì được kính trọng, Chúa sẽ làm cho họ trở nên đáng khinh bỉ và ra hèn hạ trước mặt toàn dân, thay vì được phúc lành của Chúa họ phải gánh chịu những tai họa.
Cách sống giả dối, sai lầm, tìm kiếm danh lợi bên ngoài còn bị Chúa Giêsu kịch liệt lên án qua đoạn Tin Mừng. Mở đầu đoạn Tin Mừng, Chúa Giêsu lên tiếng cảnh báo dân chúng và các môn đệ “Các kinh sư và các người Pharisêu ngồi trên tòa ông Môsê mà giảng dạy. Vậy tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn việc họ làm, thì đừng làm theo vì họ nói mà không làm.” Không chỉ cảnh báo dân chúng và các môn đệ, Chúa Giêsu còn trực tiếp lên án các kinh sư và biệt phái về lối sống chạy theo danh lợi bên ngoài. Ngài kể ra rất nhiều hành vi diễn tả việc chạy theo danh lợi bên ngoài ấy. Đó là ở trên tòa Môsê, họ dạy đường lối của Chúa nhưng không làm theo điều họ dạy, họ bó những gánh nặng chất lên vai người ta, nhưng lại không hề đụng ngón tay vào, họ làm mọi thứ để được người khác thấy, đeo những hộp kinh thật lớn, mang tua áo thật dài, ưa ngồi chỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, thích được chào hỏi nơi công cộng và được người ta gọi là thầy. Rõ ràng những người này đã đi tìm vinh quang cho chính mình thay vì vinh quang Chúa và lợi ích cho tha nhân.
Cách sống ấy đi ngược với đường lối của Thiên Chúa và giáo huấn của Chúa Giêsu nên đương nhiên phải loại bỏ. Thay vì sống hời hợt bên ngoài, người tín hữu phải có trái tim bên trong. Thay vì giả dối không chân thành, các kitô hữu phải có cái tâm thật thà, chất phát, ngay thẳng, đơn sơ và trung thực. Họ không thể nghe lời Chúa rồi để đó mà phải yêu mến và nỗ lực  thực hành. Thay vì chỉ giữ những đòi hỏi của lề luật như bổn phận và trách nhiệm, họ phải tuân giữ vì tình yêu nồng nàn dành cho Chúa và tha nhân. Thay vì chỉ tìm kiếm các giá trị trần thế như trình độ học vấn, bằng cấp, tiếng khen, danh lợi, của cải vật chất…, người tín hữu còn phải tìm kiếm các giá trị vĩnh cửu là đức tin, tình yêu, niềm hy vọng đặt ở Thiên Chúa và không ngừng làm cho các giá trị ấy trổ sinh nhiều hoa trái. Thay vì tôn vinh mình, nâng mình lên, chờ đợi kẻ khác phục vụ, các kitô hữu phải khiêm tốn phục vụ tha nhân. Thay vì coi mình như vị thầy hay bậc cha chú của người khác, kitô hữu cần biết nhìn nhận vị thầy duy nhất, người lãnh đạo duy nhất là Chúa Giêsu, nhìn nhận một người Cha duy nhất ở trên trời và hết lòng phụng sự Ngài trong tâm tình con thảo. Nếu nhìn nhận Chúa Giêsu là vị thầy duy nhất, người lãnh đạo duy nhất, thì kitô hữu phải để cho Chúa Giêsu hướng dẫn và điều khiển cuộc đời mình. Nếu nhìn nhận Thiên Chúa là Cha duy nhất, thì kitô hữu phải sống tốt vai trò của một người con thảo.
Đánh giá người khác theo diện mạo bên ngoài, chạy theo sự giả trá trần thế như địa vị, danh lợi và của cải không phải là đích điểm cuộc đời của người kitô hữu. Mục đích mà các kitô hữu cần đạt tới chính là phúc lành của Thiên Chúa tràn trề ở đời này và đời sau. Muốn có được phúc lành ấy, các kitô hữu phải tôn vinh Chúa thay vì tôn vinh chính mình, phải tránh xa lối sống giả dối, vụ hình thức, thích được người khác tôn vinh thay vào đó là chân nhận một vị thầy, một vị lãnh đạo duy nhất là Chúa Giêsu, tôn thờ một cha duy nhất là Cha trên trời, sẵn sàng hạ mình xuống để yêu thương và phục vụ tha nhân. Cùng nhau nhìn lại đời sống của mình, chúng ta tự hỏi tôi đã sống như thế nào so với Lời Chúa hôm nay? Tôi có tìm mình, vinh quang cho mình, phục vụ mình hay tìm Thiên Chúa, vinh quang Chúa và phục vụ tha nhân? Hẳn nhiều lúc chúng ta đã tìm mình, tìm vinh quang cho mình, đòi người khác phục vụ hơn là tìm Chúa, tìm vinh danh Chúa và phục vụ anh em. Xin Chúa tha thứ lỗi lầm cho chúng ta. Xin Ngài ban nhiều ơn thánh để chúng ta sống tốt những gì mà lời Chúa mời gọi hôm nay. Amen.St


Ðại Hội Truyền Giáo lần thứ I tại Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng.

Ðại Hội Truyền Giáo lần thứ I tại Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng.

Ðại Hội Truyền Giáo lần thứ I tại Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng.

Lạng Sơn (GPLSCB 30-10-2017) - Trong hai ngày 20 và 21 tháng 10 năm 2017, dịp Khánh nhật Truyền Giáo, Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng đã tổ chức Ðại Hội Truyền Giáo lần thứ I.
Ðại hội diễn ra tại Tòa Giám mục Lạng Sơn với sự tham dự của Ðức cha Giuse Châu Ngọc Tri - Giám mục Giáo phận, cùng với Linh mục đoàn, quý Phó tế, Chủng sinh, Ứng sinh, Tu sỹ, Ðại diện Hội đồng mục vụ và Trưởng các hội đoàn của tất cả các xứ họ trong toàn Giáo phận.
Ðại Hội khai mạc vào lúc 17 giờ chiều tại Hội trường Tòa Giám mục. Cộng đoàn sốt sắng nguyện xin ơn Ðức Chúa Thánh Thần và lắng nghe bài Tin mừng của Khánh nhật Truyền Giáo.
Ðức cha Giuse phát biểu và công bố Khai mạc Ðại Hội trong niềm hân hoan của toàn thể tham dự viên. Ngài chào mừng quý Cha, cùng mọi thành phần dân Chúa từ khắp các vùng miền xa gần của Giáo phận về tham dự Ðại Hội. Ngài mong rằng qua Ðại Hội lần này, Giáo phận sẽ hoạch định một đường hướng mục vụ cụ thể, chi tiết, như một chỉ nam mục vụ và truyền giáo cho những năm sắp tới.
Ngay sau khai mạc, các Giáo xứ lần lượt lên trình bày Tham luận của mình. Mỗi đại diện Giáo xứ đã khái quát về hiện tình đời sống sinh hoạt mục vụ cùng như nhấn mạnh đến những hoạt động truyền giáo đang thực hiện. Các bài tham luận cũng nói lên những thuận lợi và khó khăn trong việc sống và loan báo Tin Mừng tại chính những hoàn cảnh, môi trường sống của mình. Cuối cùng, các xứ đạo nói lên thao thức và mong muốn của mình để thúc đẩy công việc truyền giáo, đem Chúa đến cho mọi người. Một điều đáng ghi nhận là các tham luận đều cho thấy sự ý thức khá mạnh mẽ của mỗi thành phần dân Chúa đối với việc truyền giáo, đây là sứ vụ chung của mỗi thành viên trong Hội Thánh. Việc truyền giáo trong bối cảnh Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng luôn được coi là vấn đề bức thiết và trọng yếu.
Trong buổi tối Hội thảo, xen kẽ giữa các bài tham luận của các xứ đạo là các tiết mục văn nghệ do các Giáo xứ thuộc hạt Lạng Sơn thể hiện. Mỗi giáo xứ trình bày những tiểu phẩm, hoạt cảnh, những bài thánh ca... mang tinh thần truyền giáo, nhất là gắn với khung cảnh lịch sử truyền giáo của Giáo phận.
Buổi tối Hội thảo trong khuôn khổ Ðại Hội kết thúc lúc 22 giờ với giờ Chầu Thánh Thể sốt sắng do cha Tổng Ðại diện Giuse Trần Ðức Hạnh chủ sự. Trước Thánh Thể Chúa, mỗi người hiện diện dâng lên những tâm tình tạ ơn Chúa vì muôn ơn lành Người thương ban trên Giáo phận, cùng dâng lên những nguyện ước, những niềm thao thức để thực thi sứ vụ truyền giáo, đem Tin Mừng đến cho muôn dân, trong cánh đồng truyền giáo Lạng Sơn Cao Bằng rộng lớn mà đầy thách đố này.
Ngày thứ hai của Ðại Hội khởi đầu lúc 5 giờ 30 với Giờ Kinh Sáng. Sau đó là giờ nguyện gẫm. Vào hồi 7 giờ 30, các tham dự viên lắng nghe bài huấn từ mục vụ truyền giáo của Ðức Giám Mục Giáo phận. Trước hết, ngài đưa ra những bản thống kê chi tiết về hiện tình của Giáo phận trong địa bàn tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng và Hà Giang. Con số tín hữu Công Giáo hiện nay vào khoảng 0,3%. Ngài nói rằng, Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng hiện nay với số tín hữu quá ít ỏi, giữa một vùng đất rộng lớn, có thể ví như một "Giáo phận ngoại giáo", do đó việc truyền giáo là vô cùng quan trọng và hết sức cần thiết. Ngài mời gọi mỗi người hiện diện ý thức sâu sắc về bổn phận và sứ vụ truyền giáo. Ngài cũng trình bày những đường hướng mục vụ của Giáo phận trong thời gian tới, trong đó có việc thuyên chuyển nhiệm sở của quý Cha, phân chia địa bàn mục vụ cho các xứ đạo trong toàn Giáo phận. Mỗi Giáo xứ đang hoạt động từ nay sẽ kiêm nhiệm thêm địa bàn của một vài huyện trong địa bàn Giáo phận mà chưa có nhà thờ. Ðức cha nhấn mạnh: Từ nay ranh giới các giáo xứ không chỉ bó gọn trong nơi sinh hoạt hiện tại của mình, nhưng sẽ mở rộng ra rất nhiều, để tất cả các huyện trong ba tỉnh thuộc Giáo phận, đều được coi sóc mục vụ.
Theo tinh thần "Ði Ra Vùng Ngoại Biên" trong Tông huấn "Niềm Vui Tin Mừng" của Ðức Thánh Cha Phan-xi-cô, sau khi thăm viếng, lắng nghe, xem xét và nghiên cứu những hoàn cảnh cụ thể và những nhu cầu mục vụ thường xuyên và cấp thiết trong Giáo phận, nhất là sau khi đã thảo luận với Ban Tư vấn Giáo phận cũng như trao đổi với Linh mục đoàn và Ðại biểu các thành phần dân Chúa trong Giáo phận qua Ðại hội Truyền giáo lần I lần này; trong sự hiệp thông và cầu nguyện với Cộng đoàn Giáo phận, Ðức cha Giuse đã quyết định thành lập thêm Giáo hạt mới Hà Giang, bổ nhiệm và thuyên chuyển giáo vụ cho các Linh mục, và phân chia vùng mục vụ cho các Giáo xứ và Giáo họ trong Giáo phận.
Theo Ðức cha Giuse, việc phân định địa giới phục vụ cho các Cha theo đơn vị Giáo xứ và Giáo họ hiện nay, nhằm mục đích để tất cả giáo dân Công Giáo đang định cư trong địa bàn Giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng hoặc di dân đến để làm ăn thường xuyên hay thời vụ, đều được chăm sóc mục vụ theo tinh thần và ý muốn của Giáo Hội, cũng như quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo mà mọi công dân được Hiến pháp và Luật pháp bảo hộ. Ðồng thời, theo vùng mục vụ, các Cha cũng có trách nhiệm cộng tác điều tra hôn phối khi được yêu cầu, trong trường hợp một người lương dân trong khu vực mục vụ của mình tiến hành hôn nhân với một người Công Giáo ở bất cứ nơi nào.
Cũng trong quyết định được Ðức cha công bố, Linh mục thuộc các Dòng tu đang phục vụ trong Giáo phận, thay đổi hay không thay đổi giáo vụ, đều được bổ nhiệm lại, để xác định cụ thể vùng mục vụ thuộc các Giáo xứ hay Giáo họ mà các văn bản bổ nhiệm trước đây chưa đề cập đầy đủ. Dựa trên văn bản bổ nhiệm lần này, Tòa Giám mục sẽ xúc tiến việc thảo luận với các vị Bề trên hữu trách các Dòng tu để tiến tới một "hợp đồng mục vụ" theo Giáo luật sớm hết sức có thể.
Ðại Hội Truyền Giáo lần thứ I của Giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng kết thúc với Thánh lễ cầu cho việc Loan báo Tin Mừng, trong Khánh nhật Truyền Giáo, tại Nhà thờ Chính Tòa Lạng Sơn. Cộng đoàn Phụng vụ hiệp cùng Ðức cha chủ tế, quý cha trong linh mục đoàn đồng tế, sốt sắng nguyện xin ơn Chúa xuống trên mọi thành phần dân Chúa trong Giáo phận để hăng say lên đường loan báo Tin Mừng, sống tinh thần truyền giáo và xây dựng Nước Chúa.
Cuối Thánh lễ, Ðức cha đã trao bài sai bổ nhiệm nhiệm sở mới cho quý Cha trong Giáo phận. Theo đó, các linh mục trong Giáo phận sẽ thuyên chuyển tới nhiệm sở mới từ ngày 12 tháng 11 năm 2017.
Ðại Hội Truyền Giáo lần thứ I khép lại với Phép lành trọng thể của Ðức Giám Mục Giáo phận "nhờ lời chuyển cầu của hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô". Ðại hội diễn ra trong hai ngày nhưng đã đem lại nhiều kết quả tốt đẹp, thôi thúc mỗi tham dự viên ý thức về sứ mạng của mình và hăng hái lên đường truyền giáo. Ước mong một giai đoạn mới sẽ mở ra với Giáo phận truyền giáo Lạng Sơn Cao Bằng, khi mỗi người trở nên những khí cụ đem Tin Mừng cho muôn dân, xây dựng Giáo hội ngày một thăng tiến và Nước Chúa được mở rộng khắp nơi.

Mục tử tốt lành gần gũi dân chúng và có lòng trắc ẩn.

Mục tử tốt lành gần gũi dân chúng và có lòng trắc ẩn.
Vatican (REI 30-10-2017) -Mục tử tốt lành là người đến với những người bị loại bỏ hất hủi, là người có lòng thương xót và không xấu hổ khi đụng chạm đến các thân thể bị thương tích. Ngược lại, những người theo chủ nghĩa giáo sĩ trị thì luôn tìm cách tiếp cận với quyền lực hoặc là tiền bạc. Ðức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh những điều này trong bài giảng Thánh lễ sáng thứ Hai 30 tháng 10 năm 2017 tại nhà nguyện thánh Marta, dựa trên đoạn tin mừng theo thánh Luca chương 13, thuật lại sự kiện Chúa Giêsu chữa lành người phụ nữ bị còng lưng từ 18 năm trời.
Vào ngày sabát, ngày thứ Bảy, ngày nghỉ lễ của người Do thái, Chúa Giêsu vào hội đường và ngài gặp một phụ nữ bị còng lưng, không thể đứng thẳng được. Tin mừng nói là bà bị bệnh; đó là một căn bệnh khiến cho bà phải chịu cảnh cúi gầm, không thể đứng thẳng và nhìn lên, từ nhiều năm trời. Thánh sử Luca dùng 5 động từ để nói về những việc Chúa Giêsu làm: Chúa nhìn thấy bà, Chúa gọi bà, nói với bà, "đặt tay trên bà và chữa lành cho bà".
Ðây là 5 động từ diễn tả sự gần gũi, bởi vì một mục tử luôn luôn gần với dân của mình. Trong dụ ngôn người mục tử nhân lành, người mục tử gần với con chiên lạc, bỏ lại những con chiên khác và đi tìm con chiên lạc. Mục tử không thể xa rời dân của mình.
Trái lại, các giáo sĩ, tiến sĩ luật, những người biệt phái, Sađusêu, lại sống tách biệt khỏi dân chúng và luôn luôn trách mắng họ. Ðây không phải là những mục tử tốt lành; họ là những người chỉ thu mình trong nhóm của mình và không quan tâm đến dân chúng. Có thể, đối với họ, điều quan trọng là đến cuối các nghi thức phụng vụ, đi xem có bao nhiêu tiền được dâng cúng. Họ không gần với dân chúng. Nhưng Chúa Giêsu thì ngược lại, sự gần gũi của Ngài với dân chúng xuất phát từ điều ngài cảm thấy trong tim Ngài. Một đoạn Tin mừng khác nói rằng "Chúa Giêsu động lòng thương."
Do đó, Chúa Giêsu luôn luôn ở với người dân bị loại bỏ hắt hủi bởi một nhóm nhỏ các giáo sĩ: ở đó có những người nghèo, người đau yếu bệnh tật, các tội nhân, những người phong cùi, nhưng tất cả họ ở đó, bởi vì Chúa Giêsu có khả năng động lòng thương trước bệnh tật; Ngài là một mục tử tốt lành. Một mục tử tốt lành đến gần dân và có khả năng thương xót. Ðức tính thứ ba của một mục tử tốt lành là không xấu hổ, dám đụng chạm đến thân xác thương tích, như Chúa Giêsu đã tỏ ra đối với người phụ nữ: Ngài chạm đến bà và đặt tay trên bà, Ngài chạm đến người cùi, Ngài chạm đến người tội lỗi.
Mục tử tốt lành thì không nói "được rồi, tôi gần với anh em trong tinh thần"; đó là sự xa cách. Nhưng mục tử tốt lành thực hiện những điều mà Chúa Cha đã làm, đó là gần gũi, để cảm thông, để thương xót, trong thân xác của chính Con của Ngài." Chúa Cha, vị Mục tử cao cả, đã dạy chúng ta cách thức trở nên mục tử tốt lành: hạ mình xuống, làm cho mình trở nên không, tự loại bỏ mình, mang lấy thân nô lệ.
Còn những người theo con đường của chủ nghĩa giáo sĩ thì họ gần ai? Họ luôn gần hay tiếp cận với quyền lực hay tiền bạc. Ðó là mục tử xấu. Họ chỉ nghĩ đến việc leo lên nắm quyền cao hơn, nghĩ đến làm bạn với quyền lực và thỏa hiệp với mọi thứ hoặc nghĩ đến túi tiền của họ. Ðây là những kẻ giả hình, có khả năng làm mọi điều. Ðối với họ, dân chúng không quan trọng. Và khi Chúa Giêsu dùng tính từ "giả hình", nhiều lần, để nói về họ, thì họ phản đối: "nhưng chúng tôi không làm vậy, chúng tôi tuân giữ lề luật."
Mục tử tốt lành là Chúa Giêsu; Ngài nhìn, Ngài nghe, Ngài nói, Ngài đụng chạm và chữa lành. Ðó chính là Chúa Cha, qua Chúa Con nhập thể làm người, thực hiện những điều này vì lòng thương xót
Ðối với dân Chúa, thật là một ân phúc khi có được những mục tử tốt lành, những mục tử như Chúa Giêsu, những mục tử không xấu hổ khi chạm đến thân thể bị thương tích , những mục tử biết rằng không chỉ họ, mà cả chúng ta, sẽ bị phán xét về điều này: Chúa Giêsu sẽ hỏi: khi Ta đói, khi Ta bị giam tù, khi Ta đau bệnh... Các tiêu chuẩn cuối cùng là tiêu chuẩn gần gũi dân chúng, các tiêu chuẩn gần gũi hoàn toàn, để động chạm, chia sẻ với hoàn cảnh của dân Chúa. Chúng ta đừng quên điều này: mục tử tốt lành luôn đến gần dân chúng, luôn luôn, như Chúa Cha của chúng ta, Ngài đã đến gần chúng ta trong chính Chúa Giêsu, Con của Ngài sinh ra làm người để ở gần và ở cùng chúng ta. (REI 30/10/2017)

Ðức Thánh Cha kêu gọi cải tổ tinh thần Âu Châu.

Ðức Thánh Cha kêu gọi cải tổ tinh thần Âu Châu.
Vatican (Rei 28-10-2017) - Ðức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các tín hữu Kitô góp phần cải tổ tinh thần của Âu Châu và ngài cũng kêu gọi chính quyền đại lục này nhìn nhận vai trò tích cực của tôn giáo trong xã hội.
Ðức Thánh Cha đưa ra lời kêu gọi trên đây trong bài diễn văn dài tại buổi kiến kiến 350 tham dự viên Hội nghị về đề tài "Nghĩ lại Âu Châu" nhóm tại Roma trong hai ngày 27 và 28 tháng 10 năm 2017, với sự tham dự của các nhà chính trị, các Hồng Y, Giám Mục, các đại sứ, đại diện các phong trào và nhiều tín hữu Kitô khác. Hội nghị do Ủy ban Giám Mục Liên hiệp Âu Châu, gọi tắt là Comece, tổ chức.
Ðức Thánh Cha tái khẳng định nền tảng của Âu Châu chính là con người và các cộng đoàn mà Kitô hữu mong muốn và có thể góp phần xây dựng. Những "viên gạch" trong công trình này là "sự đối thoại, bao gồm mọi ngừơi, tình liên đới, phát triển và hòa bình".
Ðức Thánh Cha nói:
"Từ Ðại Tây dương đến rặng núi Ural, từ Bắc Cực đến Ðịa Trung Hải, Âu Châu phải là một nơi đối thoại, theo một nghĩa nào đó, giống như diễn trường Agorà ngày xưa. Âu Châu không phải chỉ là một không gian kinh tế, nhưng còn là một con tim của chính trị".
Và Ðức Thánh Cha mời gọi mọi người hãy cứu xét vai trò tích cực của tôn giáo trong xã hội, cũng như việc đối thoại liên tôn là điều có thể giữa các tín hữu Kitô và Hồi giáo tại Âu Châu. Trong chiều hướng này, ngài cảnh giác chống lại một thứ thành kiến duy thế tục vẫn còn thịnh hành: người ta không nhận thức được giá trị của tôn giáo trong đời sống công cộng, và muốn đóng khung tôn giáo trong lãnh vực riêng tư. Nhưng làm như thế, người ta thiết lập một sự thống trị của một thứ tư tưởng duy nhất, một hiện tượng rất phổ biến trong các môi trường quốc tế, để rồi coi việc khẳng định căn tính tôn giáo là một nguy hiểm đối với chủ nghĩa bá quyền của họ, và rốt cục tạo nên một sự đối nghịch giữa quyền tự do tôn giáo và các quyền cơ bản khác".
Ðức Thánh Cha cũng đề cập đến vấn đề thời sự là di dân. Ngài nói: "Âu Châu phải trở thành một không gian bao gồm mọi người, nhưng đồng thời cũng đề cao giá trị của những khác biệt. Trong viễn tượng này, những ngừơi di dân là một tài nguyên, hơn là một gánh nặng, và không thể bị gạt bỏ tùy ý. Ðàng khác, các chính quyền cũng phải quản lý một cách thận trọng vấn đề di dân. Tuy không phải là dựng lên những bức tường, nhưng cần làm sao để tiến trình di dân tuân hành các quy luật. Về phía những ngừơi nhập cư, họ phải tôn trọng và hấp thụ nền văn hóa của quốc gia tiếp đón họ".
Ðề cập đến sự xung đột các thế hệ chưa từng có ở Âu Châu kể từ thập niên 1960, Ðức Thánh Cha cũng nhắc đến mùa đông dân số ở đại lục này và nói rằng: tại Âu Châu người ta ít sinh con, và quá nhiều thai nhi bị tước bỏ quyền được sinh ra, đó cũng là vì người ta khám phá thấy mình không có khả năng chuyển giao cho người trẻ những phương tiện vật chất và văn hóa để đương đầu với tương lai. Ngoài ra, Âu Châu cũng đang ở trong tình trạng thiếu trí nhớ, do đó cần phải tái khám phá giá trị quá khứ của mình để làm cho hiện tại của mình được phong phú và trao lại cho các thế hệ mai sau một tương lai hy vọng. Bao nhiêu người trẻ đang ngỡ ngàng lạc hướng đứng trước sự vắng bóng các căn cội và viễn tượng, trong khi nền giáo dục phải có sự can dự của toàn thể xã hội". (Rei 28-10-2017)

Ðóng góp của Kitô giáo cho tương lai của châu Âu.

Ðóng góp của Kitô giáo cho tương lai của châu Âu.
Roma (WHÐ 30-10-2017) - "Ðiểm đầu tiên và có lẽ là đóng góp lớn nhất mà người Kitô hữu có thể cống hiến cho châu Âu ngày nay là nhắc cho châu Âu nhớ rằng châu Âu không phải là một tập hợp các con số hay các tổ chức, nhưng được làm nên từ những con người", đó là khẳng định của Ðức giáo hoàng Phanxicô trong bài diễn văn quan trọng tại Hội nghị "Xem xét lại châu Âu. Ðóng góp của Kitô giáo cho tương lai của dự phóng về châu Âu".
Hội nghị là cuộc đối thoại cấp cao giữa Giáo hội và các nhà hoạt động chính trị do Uỷ ban các Hội đồng Giám mục trong Liên minh châu Âu (COMECE) tổ chức tại Roma từ 27 đến 29 tháng Mười năm 2017.
Theo thông cáo báo chí, tham dự Hội nghị này có khoảng 350 người, gồm 28 phái đoàn của tất cả các nước trong Liên minh châu Âu (EU), trong đó có các chính trị gia cấp cao của EU, các hồng y, các giám mục, linh mục, đại sứ, các học giả, đại diện của các tổ chức và nhiều phong trào Công giáo và các hệ phái Kitô giáo.
Ðến tham dự Hội nghị lúc 17g30 thứ Bảy, 28 tháng 10 năm 2017, Ðức giáo hoàng Phanxicô đã đọc một bài diễn văn khá dài; đây là diễn văn lớn thứ 5 của ngài về châu Âu.
Mở đầu bài diễn văn, Ðức giáo hoàng nói rằng "Thật là ý nghĩa khi Hội nghị này trước hết muốn là một cuộc đối thoại trong tinh thần thảo luận tự do và cởi mở, để làm phong phú lẫn nhau và để làm sáng tỏ con đường tương lai của châu Âu, đó là con đường mà tất cả chúng ta được kêu gọi cùng đi với nhau để vượt qua cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang phải đối mặt và trước những thách đố đang chờ đợi chúng ta".
Khởi đi từ hình ảnh của Thánh Bênêđictô, bổn mạng của châu Âu, Ðức giáo hoàng nói: "Thánh Bênêđictô không quan tâm đến vị trí xã hội, sự giàu có hay quyền lực của một người. Ngài căn cứ vào bản tính chung của mỗi con người, vốn luôn yêu mến sự sống và muốn sống hạnh phúc, dù họ ở trong hoàn cảnh nào. Ðối với Thánh Bênêđictô điều quan trọng không phải là nhiệm vụ, nhưng là những con người, không phải là tính từ, mà là danh từ. Ðây là một trong những giá trị cơ bản mà Kitô giáo mang lại: ý thức rằng con người được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa. Nguyên tắc này dẫn đến việc xây dựng các tu viện, để rồi trở thành cái nôi của con người, của văn hoá, của sự phục hưng tôn giáo và kinh tế của lục địa này".
Từ đó, Ðức giáo hoàng nhấn mạnh đến hai đóng góp chính mà Kitô giáo cống hiến cho Châu Âu, và có thể trong tương lai nữa. Thứ nhất, "và có lẽ là sự đóng góp lớn lao nhất" của Kitô giáo đối với châu Âu là "nhắc cho châu Âu nhớ rằng châu Âu không phải là một tập hợp các con số hay các tổ chức, nhưng được làm nên từ những con người". Tiếp theo, "nhìn nhận người khác trước hết là một con người nghĩa là đề cao điều liên kết tôi với người ấy. Sự kiện chúng ta là những con người nối kết chúng ta với người khác, làm cho chúng ta trở thành một cộng đồng. Vì thế, đóng góp thứ hai mà Kitô giáo có thể cống hiến cho tương lai của châu Âu là tái khám phá ý thức thuộc về một cộng đồng".
Các Kitô hữu khám phá rằng "căn tính của họ trước hết có tính tương quan. Họ liên kết với người khác như những thành phần của một thân thể là Hội Thánh (x. 1 Cr 12,12), và mỗi người, với căn tính độc đáo và tài năng của mình, sẵn sàng chia sẻ vào công việc chung là xây dựng thân thể ấy".
Và "Gia đình, như cộng đoàn đầu tiên, vẫn là nơi cơ bản nhất của khám phá này. Nét đa dạng ở nơi gia đình được đề cao và đồng thời hiểu được trong sự hiệp nhất. Gia đình là sự kết hợp hài hoà những khác biệt giữa người nam và người nữ, sự kết hợp ấy càng xác thực và sâu xa hơn khi nó sinh sôi, có khả năng mở ra cho sự sống và cho người khác. Cũng vậy, một cộng đồng dân sự sẽ đầy sức sống nếu biết mở ra, nếu biết đón nhận sự đa dạng và tài năng của từng người, đồng thời nếu biết sản sinh sự sống mới, cũng như tạo ra phát triển, việc làm, đổi mới và văn hoá".
"Như thế, con người và cộng đồng là những nền tảng của châu Âu mà người Kitô hữu chúng ta muốn và có thể đóng góp vào việc xây dựng những nền tảng ấy. Những viên đá của toà nhà này là: đối thoại, hòa nhập, liên đới, phát triển và hoà bình".
Trong phần cuối diễn văn, Ðức giáo hoàng trích dẫn Thư gửi Diognetus, một tài liệu có từ thời đầu của Kitô giáo, như sau: "linh hồn là gì đối với thể xác, thì người Kitô hữu đối với thế giới cũng như vậy" (Thư gửi Diognetus, VI). Và Ðức giáo hoàng nói: "Lúc này, người Kitô hữu được kêu gọi mang lại cho cho châu Âu một linh hồn, thức tỉnh lương tâm của châu Âu, không phải để bành trướng -như thế là lôi kéo tín đồ- nhưng là để khuyến khích các tiến trình (x. Tông huấn Evangelii Gaudium, 223) sẽ tạo ra những động lực mới trong xã hội. Ðây đúng là điều mà Ðức Phaolô VI, không phải ngẫu nhiên, đã công bố Thánh Bênêđictô là bổn mạng của châu Âu: Thánh nhân không quan tâm đến việc bành trướng giữa một thế giới đang mất phương hướng và rối ren. Ðược đức tin nâng đỡ, ngài đã nhìn xa hơn và từ một hang động nhỏ Subiaco ngài đã khai sinh một phong trào có sức lan toả và lôi cuốn, vẽ lại khuôn mặt của châu Âu".
Cuối cùng Ðức giáo hoàng dâng lời cầu nguyện: "Xin thánh Bênêđictô -là sứ giả hoà bình, là người xây dựng sự hiệp nhất và bậc thầy của nền văn minh - cho chúng ta là những Kitô hữu của thời nay, hiểu rõ rằng một niềm hy vọng vui tươi, xuất phát từ đức tin, có thể thay đổi thế giới ra sao.


Ðức Thánh Cha kêu gọi các tín hữu sống trọn giới răn mến Chúa yêu người.

Ðức Thánh Cha kêu gọi các tín hữu sống trọn giới răn mến Chúa yêu người.
Vatican (Vat. 29-10-2017) - Trong buổi đọc kinh truyền tin trưa chúa nhật 29 tháng 10 năm 2017 với hơn 30 ngàn tín hữu tại Quảng trường Thánh Phêrô, Ðức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các tín hữu sống trọn giới răn mến Chúa yêu người.
Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Ðức Thánh Cha đã quảng diễn bài Tin Mừng theo thánh Mathêu (22,34-40) chúa nhật thứ 30 thường niên năm A, trong đó Chúa Giêsu trả lời câu hỏi do một người Biệt Phái nêu lên: đâu là giới luật quan trọng nhất.
Huấn dụ của Ðức Thánh Cha
Ðức Thánh Cha nói: "Chúa nhật này, Phụng vụ trình bày cho chúng ta một đoạn ngắn của Tin Mừng, nhưng rất quan trọng (Xc Mt 22,34-40). Thánh Sử Matthêu kể lại rằng những người Biệt Phái họp nhau để thử thách Chúa Giêsu. Một người trong họ, tiến sĩ luật, nêu câu hỏi với Ngài: "Thưa Thầy, trong Luật, đâu là giới răn quan trọng nhất" (v. 36). Ðó là một câu hỏi cạm bẫy, vì trong Luật Môisê có nói đến hơn 600 giới luật. Trong tất cả những luật đó, làm sao phân biệt giới răn quan trọng nhất. Nhưng Chúa Giêsu không chút do dự và trả lời: "Ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết tâm trí ngươi" và ngài thêm: 'Ngươi hãy yêu thương tha nhân như chính mình" (v.37.39)"
"Câu trả lời này của Chúa Giêsu không phải là điều hiển nhiên mà có, vì trong nhiều giới răn của luật Do thái, quan trọng nhất là 10 giới răn, được Thiên Chúa trực tiếp thông truyền cho Môise, như những điều kiện của giao ước giữa Chúa với dân. Nhưng Chúa Giêsu muốn cho thấy rằng nếu không có lòng mến Chúa và yêu ngừơi, thì không có sự trung thành đích thực với giao ước với Thiên Chúa. Bạn có thể làm bao nhiêu điều tốt lành, thực thi các giới răn, nhưng nếu bạn không có tình yêu, thì việc làm ấy không hữu ích.
Một đoạn văn khác trong sách Xuất Hành, gọi là "Luật giao ước" đã xác nhận điều đó, trong phần này có nói rằng ta không thể ở trong Giao ước với Chúa mà lại ngược đãi những người được Chúa đặc biệt bảo vệ: đó là góa phụ, cô nhi và người ngoại quốc, người di dân, tức là những người cô độc và dễ bị tổn thương nhất (Xc Xh 22,20-21). Khi trả lời cho những người Biệt Phái chất vấn ngài, Chúa Giêsu cũng tìm cách giúp họ đặt thứ tự trong đời sống đạo của họ, tái lập điều thực sự quan trọng và điều kém quan trọng hơn. Ngài nói: "Toàn thể Luật và các Ngôn Sứ tùy thuộc hai giới răn này" (Mt 22,40). Ðó là những giới răn quan trọng nhất, các giới răn khác tùy thuộc hai giới răn đó. Và Chúa Giêsu đã sống như thế: bằng cách rao giảng và thi hành những gì thực sự là quan trọng và thiết yếu, nghĩa là tình thương. Tình thương mang lại đà tiến và sự phong phú cho đời sống và hành trình đức tin: không có tình thương, thì cuộc sống cũng như đức tin sẽ trở nên khô cằn, son sẻ.
Ðiều mà Chúa Giêsu đề nghị trong trang Tin Mừng này là một lý tưởng tuyệt vời, đáp ứng ước mong chân thực nhất của tâm hồn chúng ta. Thực vậy, chúng ta được dựng nên để yêu mến và được mến yêu. Thiên Chúa là Tình Thương, đã tạo dựng chúng ta để cho chúng ta được tham dự cuộc sống của Ngài, để được Ngài yêu mến và yêu mến Ngài, và cùng với Ngài yêu mến tất cả những người khác. Ðó là "giấc mơ" của Thiên Chúa về con người. Và để thực hiện điều đó, chúng ta cần ơn thánh của Chúa, chúng ta cần nhận được nơi mình khả năng yêu mến đến từ chính Thiên Chúa. Chúa Giêsu hiến mình cho chúng ta trong Thánh Thể chính vì điều đó. Trong Thánh Thể chúng ta lãnh nhận Mình và Máu Chúa, nghĩa là chúng ta đón nhận Chúa Giêu qua biểu hiện tột đỉnh tình thương của Chúa, khi Ngài hiến mình cho Chúa Cha để cứu độ chúng ta".
Và Ðức Thánh Cha kết luận rằng: "Nguyện xin Ðức Mẹ giúp chúng ta đón nhận vào trong cuộc sống của chúng ta "giới răn cao cả", mến Chúa yêu người. Thực vậy, tuy chúng ta đã biết giới răn này từ khi còn nhỏ, nhưng không bao giờ chúng ta ngưng trở về với giới răn này và thực hành nó trong những hoàn cảnh khác nhau của đời sống chúng ta"
Chào thăm
Sau khi ban phép lành, Ðức Thánh Cha nhắc đến lễ phong chân phước hôm thứ bẩy 28 tháng 10 năm 2017 tại thành phố Caxias do Sul bên Brazil cho cha Giovanni Schiavo thuộc dòng thánh Giuse Murialdo. "Người sinh tại vùng Vicenza vào đầu thế kỷ 20, và khi còn là một linh mục trẻ, cha được gửi sang Brazil, tại đây cha đã nhiệt thành hoạt động phục vụ dân Chúa và huấn luyện các tu sĩ nam nữ. Ước gì tấm gương của cha giúp chúng ta sống trọn vẹn lòng gắn bó của chúng ta với Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài".
Ðức Thánh Cha ngỏ lời chào thăm đông đảo các tín hữu hành hương đến từ Italia và nhiều nước khác, đặc biệt từ Ai len, Áo, Ðức. Ngài cũng nhắc đến các tham dự viên Hội nghị vế các tu hội đời Italia, mà ngài khích lệ trong việc làm chứng tá Tin Mừng trong thế giới, hiệp hội những ngừơi hiến máu ở Orta Nova, tỉnh Foggia, nam Italia.
Sau cùng, Ðức Thánh Cha chào cộng đoàn ngừơi Togo Phi châu ở Italia và cộng đoàn người Venezuela với ảnh Ðức Mẹ Chiquinquira, Chinita. Chúng ta hãy phó thác cho Ðức Mẹ những hy vọng và mong đợi hợp pháp của hai quốc gia dân tộc này.